Nâng cao năng lực phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ
Từ ngày 11 đến 13-5, tại Hà Nội đã diễn ra khóa tập huấn nâng cao năng lực phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ theo khung lý thuyết và thực hành toàn cầu 'Tôn trọng phụ nữ' (Khung RESPECT).
Khóa tập do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Nhóm chuyên đề về giới của Liên hợp quốc phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.
Tại khóa tập huấn, RESPECT WOMEN (tôn trọng phụ nữ) - khung lý thuyết và thực hành toàn cầu về phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ đã được giới thiệu và tập huấn chuyên sâu tại Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cho các bên liên quan và thúc đẩy việc xây dựng các chiến lược phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ hiệu quả trong tương lai.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai các giải pháp song tình trạng bạo lực trên cơ sở giới ở phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam vẫn còn khá phổ biến. Để giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa, bên cạnh đó, cách tiếp cận dựa vào cộng đồng và sự tham gia phối hợp liên ngành, đa tổ chức đóng vai trò rất quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, cần phát huy các sáng kiến nhằm giải quyết các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn của bạo lực, bao gồm các chuẩn mực xã hội về vai trò giới và sự cam chịu, chấp nhận, "bình thường hóa" hành vi bạo lực của người bị bạo lực cũng như cộng đồng. Người gây bạo lực cần bị xử lý nghiêm minh, người bị bạo lực cần được bảo vệ và ổn định cuộc sống. Muốn đạt mục tiêu đó, chúng ta cần làm tốt hơn công tác phòng ngừa để giảm thiểu các hệ quả tiêu cực của bạo lực cũng như sự tổn thương của mỗi cá nhân và xã hội.
Bà Caitlin Wiesen, quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhấn mạnh: “Nghiên cứu đã cho thấy có quá nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực không tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ, vì vậy điều cấp bách nhất hiện nay là phải tiến hành việc ngăn chặn bạo lực trước khi nó xảy ra. Phòng ngừa, giải quyết các nguyên nhân cơ cấu, cũng như các yếu tố nguy cơ và bảo vệ liên quan đến bạo lực là cốt lõi để loại bỏ hoàn toàn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.