Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn có khu, cụm công nghiệp
Trường Chính trị tỉnh Hải Dương đã thực hiện một đề tài nhằm đánh giá thực trạng, xác định các yếu tố ảnh hưởng và đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nơi có khu, cụm công nghiệp trong tỉnh.
Chính quyền cấp xã mặc dù không trực tiếp quản lý các khu, cụm công nghiệp nhưng có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước, trực tiếp hoặc gián tiếp tham mưu, phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở trong quá trình xây dựng và hoạt động của các khu, cụm công nghiệp. Từ đó, đặt ra những yêu cầu về năng lực, trình độ, khả năng thích ứng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để đáp ứng nhiệm vụ được giao.
Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Hải Dương đã triển khai xây dựng, phát triển các khu, cụm công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 18 khu công nghiệp và 31 cụm công nghiệp đang hoạt động; nhiều khu, cụm công nghiệp mới đang được tiếp tục quy hoạch. Tuy nhiên, trước yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt nhằm thực hiện mục tiêu phát triển Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với các khu, cụm công nghiệp. Việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức cấp xã ở những nơi có khu, cụm công nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Từ tháng 1/2023, Trường Chính trị tỉnh đã thực hiện Đề tài “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn có khu, cụm công nghiệp tại tỉnh Hải Dương” nhằm đánh giá thực trạng, xác định các yếu tố ảnh hưởng và đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nơi có khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, đề tài đã nghiên cứu, phân tích làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản.
Đó là về cấp xã và vị trí, vai trò của cán bộ, công chức cấp xã; đặc điểm và vai trò của các khu, cụm công nghiệp; tiêu chí đánh giá năng lực quản lý nhà nước của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn có khu, cụm công nghiệp; sự cần thiết nâng cao năng lực quản lý nhà nước của những cán bộ, công chức này; các yếu tố tác động đến năng lực quản lý nhà nước của cán bộ, công chức... Đề tài cũng nghiên cứu một số kinh nghiệm nâng cao năng lực quản lý nhà nước của cán bộ, công chức cấp xã ở các tỉnh, thành phố khác và rút ra bài học kinh nghiệm cho tỉnh Hải Dương.
Đề tài đã xây dựng mẫu phiếu và tiến hành khảo sát ở 70 xã, phường, thị trấn thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và một số cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ, công chức cấp xã; cơ quan quản lý nhà nước các khu, cụm công nghiệp với tổng số 3.985 phiếu (3.360 phiếu khảo sát cá nhân và 625 phiếu khảo sát tổ chức).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, cơ bản về năng lực cán bộ, công chức cấp xã tại các địa bàn có khu, cụm công nghiệp hiện đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương nhưng chưa thực sự tốt, nhất là một số năng lực đặc thù, chuyên biệt như năng lực tham gia xây dựng, phát triển các khu, cụm công nghiệp; năng lực kết nối tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động; năng lực xử lý giải quyết các vấn đề phát sinh như quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, tạo việc làm… Đề tài cũng đã phân tích, làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm trong nâng cao năng lực quản lý nhà nước của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn có khu, cụm công nghiệp trong tỉnh hiện nay. Từ đó, đề tài đã xác định quan điểm, mục tiêu và xây dựng hệ thống với 19 giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước của cán bộ, công chức cấp xã. Ngoài nhóm giải pháp chung và nhóm giải pháp hỗ trợ, đề tài đã tập trung làm rõ những giải pháp đặc thù như tiêu chuẩn hóa chức danh, vị trí việc làm; xây dựng khung năng lực và bộ tiêu chí đánh giá đối với từng chức danh; xây dựng khung chương trình bồi dưỡng riêng và có cơ chế đặc thù đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn có khu, cụm công nghiệp.
Đề tài là một công trình nghiên cứu có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc; có giá trị tham mưu cho tỉnh trong việc hoạch định chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Hải Dương. Nội dung đề tài phản ánh đầy đủ, chân thực năng lực quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn có khu, cụm công nghiệp, đồng thời cung cấp cơ sở khoa học cả về lý luận và thực tiễn cho việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh Hải Dương đến năm 2030, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu: “Phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.