Nâng cao năng lực số và nguồn cung năng lượng để thúc đẩy phát triển bền vững
Theo các chuyên gia, trên hành trình nỗ lực thực hiện mục tiêu của Chính phủ trở thành nước phát triển vào năm 2045, Việt Nam phải giải quyết nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hai thành tố quan trọng: lực lượng lao động số có năng lực và nguồn cung năng lượng đáng tin cậy.
Chính phủ đã dự báo nhu cầu điện sẽ tăng trung bình từ 8,5% - 9% mỗi năm cho đến 2025. Điều này cho thấy yêu cầu quan trọng cần phát triển những nguồn năng lượng bền vững để đảm bảo sự phát triển liên tục của các đô thị Việt Nam.
Cùng với thách thức thiếu hụt năng lượng là tình trạng khan hiếm nguồn lao động có năng lực số, thành tố có thể được coi là quan trọng nhất trong việc phát triển các thành phố thông minh. Kỹ năng số của Việt Nam chỉ đạt vị trí thấp trên một số bảng xếp hạng. Xếp hạng kỹ năng số của Việt Nam trong hạng mục Kiến thức toàn cầu theo Chỉ số Năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu năm 2022 là 82/133. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, chỉ có 11% lực lượng lao động trong nước có kỹ năng cao.
Chia sẻ về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam tại Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững mới đây do Đại học RMIT Việt Nam tổ chức, PGS. Vũ Minh Khương (Đại học Quốc gia Singapore) nhấn mạnh, thành tựu phát triển năng lượng tái tạo thành công ở Việt Nam phụ thuộc vào sự tương tác năng động và hiệu ứng tương hỗ lẫn nhau của quản trị quốc gia hiệu quả, lựa chọn kinh doanh có tầm nhìn và các cơ chế được thiết kế tốt nhằm thúc đẩy tiến bộ liên tục.
“Quan trọng là Việt Nam duy trì cam kết đối với những yếu tố này, tạo môi trường thúc đẩy đổi mới công nghệ và các hoạt động bền vững” - PGS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh.
Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam, trong tương lai ngắn hạn đòi hỏi phải xây dựng thêm năng lực và đào tạo số để lực lượng lao động được trang bị phù hợp cho một thế giới đang phát triển nhanh chóng.
Theo GS. Robert McClelland - Trưởng khoa Kinh doanh Đại học RMIT, trên thực tế, năng lực số và năng lượng tái tạo có quan hệ cộng sinh. Lực lượng lao động cần năng lượng bền vững hơn để có năng lực số tốt hơn và xây dựng các thành phố kết nối và tiên tiến trong tương lai. Ngược lại, khi lực lượng lao động được trang bị kiến thức tiên tiến hơn, họ sẽ dễ dàng giúp phát triển cơ sở hạ tầng cho việc sản xuất năng lượng bền vững hơn.
Thêm ý kiến xung quanh vấn đề này, PGS. Nguyễn Quang Trung - Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị tại Đại học RMIT cho rằng, không có lối tắt nào để nâng cao lực lượng lao động số của Việt Nam. Thay vào đó, cần triển khai một kế hoạch dài hạn. Ông đề xuất 6 bài học rút ra từ các nước như Singapore, Hàn Quốc, Phần Lan và Estonia.
Cụ thể, về giáo dục: ưu tiên tích hợp các kỹ năng số, tiếp xúc sớm với viết code và tư duy máy tính; Các sáng kiến của chính phủ: thúc đẩy năng lực số thông qua các kế hoạch tổng thể, đào tạo và học trực tuyến; về kiến thức số cho mọi người: thúc đẩy kiến thức số cho mọi nhóm tuổi, bao gồm cả người già; về hợp tác: chuyển đổi số toàn diện thông qua hợp tác công - tư và sự tham gia của các bên liên quan; học tập suốt đời: nhấn mạnh vào việc học tập liên tục, hỗ trợ nâng cấp kỹ năng số; về đổi mới: nắm bắt tính linh hoạt, tư duy thiết kế và đổi mới để thúc đẩy xã hội số.
Theo ông Lê Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn giao dịch tại PwC Việt Nam, các công ty cần thực hiện nhiều biện pháp để trang bị cho lực lượng lao động sẵn sàng trước thế giới số. Năm bước mà các nhà lãnh đạo nên xem xét bao gồm: gắn kết và truyền cảm hứng cho nhân viên; xác định khoảng cách giữa kỹ năng và sự không phù hợp; phát triển và thực hiện nâng cao kỹ năng; biến văn hóa công ty thành chất xúc tác cho thay đổi; đầu tư xây dựng năng lực lãnh đạo chuyển đổi.