Nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn
Các trạm y tế (TYT) xã, phường, thị trấn đóng vai trò quan trọng, là 'tuyến đầu' trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 92% số xã được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận và sử dụng nhiều hơn các dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) ngay từ tuyến cơ sở.
Cán bộ Trạm Y tế phường Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn) khám bệnh cho người dân.
Trao đổi với bác sĩ Trịnh Xuân Hiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Bỉm Sơn, được biết: Trên địa bàn thị xã có 7 TYT xã, phường với 39 cán bộ, 5/7 TYT có máy siêu âm, trang thiết bị KCB ban đầu cho Nhân dân hàng năm được rà soát bổ sung; thường xuyên tổ chức đào tạo, đào tạo lại cán bộ y tế xã, phường, sắp xếp vị trí việc làm phù hợp... Các TYT thường xuyên tổ chức các đợt xuống cơ sở kiểm tra, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, tự phòng, chống và ngăn chặn dịch bệnh; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, bệnh tay chân miệng và các bệnh dịch nguy hiểm khác phát triển theo mùa. Nhờ đó, người dân trên địa bàn thị xã được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe với chất lượng ngày càng cao.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Anh, Trạm trưởng TYT phường Ba Đình cho biết: Hiện nay, nhiều hạng mục được đầu tư khang trang, trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác KCB như: Phòng lưu bệnh nhân, phòng y học cổ truyền, phòng chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tiêm. Nhằm nâng cao chất lượng KCB, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, trạm được trung tâm y tế trang bị 1 máy siêu âm, 1 máy xét nghiệm, bộ dụng cụ khám nha khoa... Nhờ đó, chất lượng KCB cho người dân được nâng lên, tạo niềm tin đối với người bệnh. Trung bình mỗi ngày trạm tiếp nhận khám và điều trị từ 20 đến 25 lượt người; tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đạt 100%; phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ ít nhất 3 lần trong thời kỳ thai nghén, được tiêm phòng uốn ván đủ mũi đạt 100%...
Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo ngành y tế, được biết: Những năm qua, UBND tỉnh đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho hệ thống y tế, nhất là y tế xã, phường, từ đó đã nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, ngành y tế còn gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu KCB như: Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều khó khăn; nguồn nhân lực còn thiếu (trung bình hơn 4 cán bộ/TYT), gây khó khăn cho hoạt động chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tỉnh. Từ năm 2015, khi Thông tư số 33 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của TYT xã, phường, thị trấn có hiệu lực đã bãi bỏ các quy định trước đó thì tỉnh chưa giao mức biên chế cho hệ thống TYT xã, phường, thị trấn, vì thế hiện nay tuyến y tế cơ sở ở Thanh Hóa đang thiếu hụt cán bộ tại các TYT. Trong 5 năm qua, TYT không tuyển dụng mới cán bộ, nhiều TYT chỉ có 3 hoặc 4 cán bộ đã ảnh hưởng lớn đến việc triển khai công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tỉnh cũng đã rà soát số nhân viên y tế đang làm việc tại các TYT xã, phường, thị trấn và xây dựng đề án vị trí việc làm đối với y tế tuyến xã để xác định đủ số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức và xây dựng kế hoạch chuyển số nhân viên y tế tại các TYT thành viên chức. Hiện toàn tỉnh có 2.911 nhân viên y tế xã chưa được hưởng chế độ, chính sách như viên chức theo Nghị định 117/2014/NĐ-CP quy định về y tế xã, phường, thị trấn của Chính phủ đã được Chính phủ đồng ý.
Bên cạnh đó, hạn mức chi của quỹ BHYT cho tuyến cơ sở còn thấp; nhân lực, trình độ của nhân viên TYT còn hạn chế; danh mục thuốc, kỹ thuật ít... Quản lý bệnh mạn tính tại cộng đồng đang gặp nhiều khó khăn do năng lực chuyên môn của nhân viên y tế chưa tạo được sự tin tưởng của người dân. Mặc dù tỷ lệ đăng ký KCB BHYT ban đầu ở các TYT khá cao nhưng quyền lợi còn hạn chế. Chi phí trung bình cho một đơn thuốc thấp, với tỷ lệ đáp ứng thuốc chỉ đạt dưới 40% theo Thông tư 39 của Bộ Y tế về cung cấp gói dịch vụ y tế tại TYT xã. Tại các TYT có một số loại thuốc bị thiếu, nguyên do những thuốc theo Thông tư 39 không nằm trong danh mục thuốc trúng thầu hoặc do các cán bộ lên kế hoạch dự trù thuốc không nắm được các loại thuốc mới. Việc quản lý bệnh không lây nhiễm đã được thực hiện, bắt đầu bằng quản lý bệnh cao huyết áp, nhưng số lượng bệnh nhân nhận thuốc cao huyết áp, đái tháo đường định kỳ còn thấp. Ngoài ra, tại các TYT còn vướng về chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế, khiến cho một số trạm chưa phát huy được hết khả năng của mình...
Nhằm giải quyết từng bước những khó khăn đó, ngành y tế đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng y tế cơ sở trong thời gian tới. Trong đó, tập trung đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở có sự kết nối với các cơ sở y tế chuyên khoa tuyến trên; phát triển hoạt động của y tế trường học, y tế cơ quan theo hướng tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ngoài ra, ngành phát triển thực hiện các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn của Bộ Y tế; chỉ đạo các bệnh viện chuyển bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường điều trị ổn định về quản lý điều trị tại TYT; nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm y tế để quản lý, ký hợp đồng KCB BHYT với BHXH để quản lý TYT tuyến xã đồng bộ. Đồng thời, tiếp tục tập trung kiện toàn đội ngũ nhân viên có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ năng lực thực hiện nhiệm vụ; tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thuốc thiết yếu cho các cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến xã, trong đó ưu tiên các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...