Nâng cao năng lực về phòng cháy, chữa cháy tại Thủ đô

Vừa qua, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ mười bảy, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã biểu quyết thông qua Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu hộ, cứu nạn (CHCN) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án).

Điều này cho thấy sự đồng lòng, quyết tâm của chính quyền các cấp, đại biểu, cử tri và người dân TP Hà Nội trong cuộc chiến chống "giặc lửa".

Nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ

Theo Đề án, TP Hà Nội hiện có 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có 8.261 cơ sở có nguy cơ về cháy, nổ; 10 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và khoảng 500 khu dân cư, làng nghề có nguy cơ cháy, nổ cao. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu về PCCC trong tình hình mới tại TP Hà Nội, việc xây dựng và triển khai Đề án là rất cần thiết.

Bên cạnh các cơ sở buôn bán, các khu dân cư, chung cư mini chưa bảo đảm những điều kiện về PCCC thì các khu ký túc xá tại nhiều trường đại học trên địa bàn Thủ đô cũng tiềm ẩn mối lo về hỏa hoạn. Theo bà Nguyễn Vũ Bích Hiền, Phó bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XVI, các khu ký túc xá hoặc phòng thí nghiệm tại các trường đại học nếu không được bảo đảm những điều kiện về an toàn PCCC hoặc sinh viên trong ký túc xá không có kiến thức cơ bản về bảo đảm an toàn trong sử dụng các thiết bị điện như quên không rút điện sau khi sạc pin, quên không tắt bếp sau khi đun nấu... thì sẽ có nguy cơ cháy, nổ cao.

Công an TP Hà Nội tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: HẢI BẰNG

Công an TP Hà Nội tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: HẢI BẰNG

Nhận định cơ sở vật chất của một số khu ký túc xá trong các trường đại học còn nhiều bất cập, hệ thống đường điện, các thiết bị điện đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng, khi bị quá tải dễ dẫn đến chập cháy, bà Nguyễn Vũ Bích Hiền đánh giá, khi có sự cố về cháy, nổ, lực lượng đầu tiên phản ứng là đội ngũ bảo vệ của nhà trường, bảo vệ các khu ký túc xá và chính các sinh viên. Tuy nhiên, lực lượng này không phải lúc nào cũng được trang bị tốt về kiến thức cũng như khả năng xử lý trước các sự cố về cháy, nổ, thường sẽ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các cơ quan chuyên trách về PCCC. Khoảng thời gian đầu khi đám cháy bùng phát, nếu được tận dụng xử lý hiệu quả sẽ làm giảm thiệt hại về người và tài sản. Vì vậy, nhà trường, đơn vị quản lý các khu ký túc xá cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho sinh viên về công tác bảo đảm an toàn khi sử dụng các thiết bị điện. Cán bộ, giảng viên, người lao động trong các nhà trường cần bồi dưỡng kiến thức cũng như tăng cường trải nghiệm thực tế về cách xử lý sự cố khi có cháy, nổ xảy ra.

Đồng quan điểm với bà Nguyễn Vũ Bích Hiền, ông Nguyễn Ngọc Minh, cư dân sinh sống tại tổ 7, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội cho biết, không chỉ một số lực lượng bảo vệ các chung cư, khu trọ, khu ký túc xá mà nhiều người dân cũng lúng túng nếu phải sử dụng các thiết bị chữa cháy cơ bản. “Ngay như trong gia đình tôi có 4 người nhưng chỉ có tôi là biết thao tác sử dụng bình cứu hỏa”, ông Minh thẳng thắn chia sẻ khi được hỏi.

Phát huy hiệu quả của lực lượng chữa cháy tại chỗ

Trước những bất cập, thiếu sót trong công tác trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC cho người dân, cơ quan chức năng đã xây dựng Đề án với mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức trong công tác PCCC và CHCN cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị các cấp, người đứng đầu cơ sở, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân trên địa bàn; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng, pháp luật về PCCC và CHCN; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CHCN, vận động các tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia PCCC và CHCN; phát huy năng lực, hiệu quả của lực lượng PCCC tại chỗ.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là tất cả cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan thành phố, học sinh các cấp được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC; tất cả hộ gia đình trên địa bàn tự trang bị bình chữa cháy; mỗi gia đình có một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn; 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ hai; vận động các cá nhân tình nguyện đăng ký tham gia hoạt động PCCC và CHCN đạt 2% so với tổng số hộ gia đình trên địa bàn.

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, trên cơ sở định hướng, quy hoạch phát triển Thủ đô, Đề án đã đưa ra dự báo tình hình với các nhóm giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó chú trọng kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC tại chỗ gồm: Lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành, lực lượng tình nguyện tham gia hoạt động PCCC và CHCN. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát PCCC và CHCN thành phố sẽ được trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn hiện đại, phục vụ chữa cháy tại các điểm có địa hình phức tạp, đặc thù như dưới hầm sâu, trong ngõ nhỏ, hẹp, cháy rừng...

Đánh giá Đề án có ý nghĩa rất cần thiết trong bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của TP Hà Nội hiện nay, bà Nguyễn Vũ Bích Hiền nhận định, những thông tin đã được quy định, trình bày trong Đề án hoàn toàn có thể đưa vào những nội dung hoạt động ngoại khóa tại các trường đại học để sinh viên có thể tiếp cận với những nội dung bổ ích về PCCC, qua đó củng cố kiến thức, xây dựng kỹ năng xử lý trước các tình huống cháy, nổ, góp phần bảo đảm an toàn về PCCC trên địa bàn Thủ đô.

HOÀNG CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nang-cao-nang-luc-ve-phong-chay-chua-chay-tai-thu-do-784014