Nâng cao năng suất nhờ các hệ thống quản lý
Để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất chất lượng, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến hệ thống quản lý, đổi mới công nghệ để từ đó nâng cao năng suất chất lượng.
Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, với mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình từ 15 – 20% /năm. Đồng thời, phấn đấu năng suất lao động của doanh nghiệp sau đổi mới công nghệ tăng ít nhất 1,5– 2 lần so với khi chưa đổi mới công nghệ.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại Việt Nam, vẫn còn một số rào cản trong quá trình nâng cao năng suất như: Chất lượng lao động còn hạn chế, Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp chưa hiệu quả khiến năng suất chất lượng chưa được như kì vọng...
Bên cạnh đó, dù chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỉ lệ qua đào tạo tăng từng năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 28% (theo Niên giám thống kê 2021) nhưng tỉ lệ này so với các nước thu nhập trung bình còn thấp. Đặc biệt, chất lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, kỹ năng của người lao động Việt Nam chậm cải thiện, thậm chí có sự giảm sút trong năm gần đây. Điều này thể hiện qua việc người lao động thiếu đào tạo kỹ thuật, thiếu lao động lành nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và nền kinh tế đang đối mặt với những thách thức về thiếu hụt lao động trình độ cao, có kỹ năng chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số.
"Việc các tập đoàn, công ty lớn có xu hướng thành lập các trường đại học, trường cao đẳng nghề riêng cũng cho thấy sự bất cập trong chất lượng đào tạo nghề của các trường đại học, trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp", một chuyên gia nhận định.
Hiện nay, doanh nghiệp đang trong thời kỳ tái khôi phục sản xuất kinh doanh sau thời gian đại dịch COVID-19 kéo dài; yếu tố cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt. Trong bối cảnh đó, tăng cường năng suất doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Chính vì vậy, việc sử dụng khoa học công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý hiệu quả, công cụ cải tiến năng suất và nghiên cứu đổi mới sáng tạo là cần thiết. Doanh nghiệp cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và giảm chi phí kết hợp với tăng cường hiệu quả hoạt động để phục hồi sản xuất và kinh doanh.
Theo các chuyên gia, các hệ thống quản lý như ISO 9000, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP đã trở thành hệ thống công cụ cải tiến năng suất chất lượng quen thuộc với các doanh nghiệp. Các chương trình và công cụ cải tiến Kaizen, 5S, Lean, Lean 6 Sigma… và các công cụ quản lý khác cũng được các doanh nghiệp quan tâm và ứng dụng.
Nói cách khác, việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ chính là việc đưa các ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp loại bỏ các lãng phí và bất hợp lý trong quá trình sản xuất, hướng mọi hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Là một trong những công ty sản xuất các sản phẩm may mặc, chủ yếu xuất khẩu sang nước ngoài, để đảm bảo duy trì sản xuất trong điều kiện dịch COVID-19 vừa qua, Công ty may Bắc Giang LGG đã áp dụng công cụ cải tiến như 5S, Kaizen. Theo đại diện Công ty, so với truyền thống thì việc đưa ứng dụng công nghệ số vào sản xuất có thể giúp tăng năng suất từ 5-10%, đặc biệt giúp kiểm soát hệ thống một cách thống nhất và chỉnh thể.
Trong khi đó, với mục tiêu trở thành công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực gia công và sản xuất sản phẩm nhựa, Công ty Cổ phần CNCPS (Bình Dương) đã áp dụng và thực hiện tốt 5S cùng Chương trình hỗ trợ áp dụng thí điểm công cụ quản lý hiệu suất tổng thể (TPM) để tiết kiệm thời gian thay đổi mã hàng và thời gian di chuyển của công nhân tới 30 phút, tạo môi trường làm việc an toàn, ngăn nắp.
Nhờ đó, sau hơn 4 tháng triển khai, Chỉ số hiệu suất thiết bị tổng thể (OEE) của CNCPS đã tăng từ 51% lên 78%; thời gian dừng máy do sự cố giảm từ 5.400 phút xuống còn 1.296 phút; sự cố dừng máy trong tháng giảm từ 27 lần xuống còn 18 lần; thời gian thay khuôn giảm từ 75 phút xuống còn 45 phút và tỷ lệ hàng đạt chất lượng tăng từ 90% lên 97%; chi phí bảo trì máy giảm được 3 triệu đồng/máy/năm...
Theo các chuyên gia, dư địa và cơ hội để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chuỗi giá trị và cạnh tranh là rất lớn. Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt, tìm hiểu các thông tin về công nghệ, cân đối nguồn lực tài chính, nhân lực để bắt kịp với xu thế phát triển của công nghệ, tạo đòn bẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.