Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ hết sức hệ trọng của Đảng và Nhà nước ta; đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của mỗi người dân. Trong đó, "sức đề kháng", tinh thần trách nhiệm, thái độ của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh đối với những thông tin xấu, độc có vai trò và ý nghĩa quan trọng; cần có sự quyết tâm, nỗ lực lớn để thực hiện có hiệu quả, góp phần bảo vệ Tổ quốc, giữ vững và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Có thể nói, mạng xã hội là một thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, tạo thêm không gian để chia sẻ, trao đổi thông tin và kết nối, hợp tác trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, mạng xã hội cũng nảy sinh không ít vấn đề tác động tiêu cực đến toàn xã hội, nhất là những thông tin xấu, độc, xuyên tạc, lệch lạc... Với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, chúng ta cần phải nhận diện đúng những thông tin xấu, độc khi tiếp cận nhằm ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị xã hội của đất nước và xây dựng một môi trường sống an toàn, chất lượng.

Thời gian qua, thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch đã gây ra nhiều vấn đề phức tạp, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, tư tưởng của một bộ phận quần chúng nhân dân nói chung và tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên nói riêng. Những thông tin có nội dung sai trái, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc sự thật hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức. Thông tin có ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, soi mói, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an và gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, đoàn kết dân tộc, tôn giáo, đe dọa an ninh quốc gia…

Những thông tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội do các thế lực phản động, các phần tử chống đối cơ hội chính trị và cả những cá nhân thiếu hiểu biết phát tán đã gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Âm mưu của các thế lực thù địch phát tán thông tin xấu, độc nhằm kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; kích động bạo lực; lừa đảo trên mạng... Thông tin xấu, độc trên mạng xã hội tác động tiêu cực đến nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tung tin xấu, độc xuyên tạc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đối tượng xấu lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường… để đăng tải những bài viết có thông tin sai lệch, từ đó xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kích động dư luận, hình thành tâm lý hoài nghi, phản kháng, tư tưởng bất mãn, chống đối, tiến tới kêu gọi biểu tình, bạo loạn lật đổ chế độ.

Có thể phân loại những người tham gia mạng xã hội thành 3 nhóm chính: (1) nhóm có ý thức tốt, có trình độ nhận thức cao, hiểu rõ, đầy đủ, đúng đắn các vấn đề thực tiễn của đất nước, địa phương. Họ chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng cách tích cực tuyên truyền quan điểm, tư tưởng, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ. (2) nhóm cố tình hiểu sai, cố tình bóp méo, “bôi đen”, xuyên tạc, cố tình nói xấu, vu khống, “thổi phồng” làm sai lệch những giá trị thực, tốt đẹp của Đảng và Nhà nước. (3) nhóm vô tình bị lôi kéo, “hùa” theo những ý kiến trái chiều, phản động mà chính bản thân họ cũng chưa thể nhận ra, phần lớn họ là những người có trình độ nhận thức còn hạn chế, thiếu thông tin chính thống, có tâm lý a dua, tâm lý hiếu kỳ, đám đông...

Trên thực tế, nhiều cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội chỉ chủ yếu đăng tải, chia sẻ những hoạt động của cá nhân, gia đình, người thân, mang tính chất giải trí, lưu giữ kỷ niệm... Không ít cán bộ, đảng viên còn thờ ơ trước các thông tin xấu, độc, sai trái... với tâm lý e ngại, sợ phiền phức, ảnh hưởng đến việc riêng tư của cá nhân, gia đình. Bên cạnh đó, có một số cán bộ, đảng viên đã bày tỏ quan điểm cá nhân, chia sẻ những thông tin chưa kiểm chứng, sai trái, độc hại, thậm chí đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, từng bước bộc lộ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, thường xuyên chia sẻ, bình luận trên Internet, mạng xã hội những nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, hướng lái dư luận có những nhận xét, đánh giá thiếu khách quan, tiêu cực, thậm chí xuyên tạc, đả kích, đối với tổ chức và cá nhân các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Thực tế, có những đảng viên khi vào mạng xã hội không đọc hết, xem hết nội dung thông tin, không nhạy cảm chính trị đã chia sẻ bài viết mà người đăng cố tình lồng ghép vào những nội dung xấu, độc, thậm chí xuyên tạc; điều này vô tình tiếp tay lan truyền thông tin xấu, độc, phản động trên mạng xã hội. Hành động đó của đảng viên không chỉ vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể kể đến như: Tính chất đặc biệt của mạng Internet dễ lan truyền, chia sẻ thông tin, tiếp cận được nhiều người dùng mạng xã hội, dễ ẩn danh, xóa dấu vết; hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa theo kịp diễn biến tình hình thực tế; tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, am hiểu công nghệ; sự thiếu hiểu biết, nhận thức hạn chế của người dùng mạng xã hội dễ tiếp tay, lan truyền, phát tán thông tin; năng lực nhận biết, phân loại, đánh giá tác hại của các sản phẩm văn hóa xấu, độc còn chưa cao, đặc biệt là việc cập nhật, nhận biết các thông tin sai trái trên mạng xã hội; công tác điều tra, phát hiện, xử lý tội phạm cũng còn gặp nhiều khó khăn…

Để tránh những tác hại của thông tin xấu, độc, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần có nhận thức sâu sắc, bản lĩnh chính trị, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tác hại của thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; tăng cường quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, các quy định về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội.

Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng đến cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Khánh Hòa.

Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng đến cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Khánh Hòa.

Với mỗi cán bộ, đảng viên, cần tự học tập, rèn luyện, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc trên không gian mạng; nâng cao tinh thần cảnh giác trước các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; phải luôn chủ động nâng cao kiến thức xã hội về mọi mặt nhằm xây dựng cho mình nhận thức chính trị đúng đắn để xem xét, tiếp cận thông tin một cách khách quan, đầy đủ, chính xác từ những nguồn thông tin chính thống, tránh tiếp cận thông tin phiến diện, một chiều. Không nghe, đọc, xem những đài, báo, trang mạng, bài viết, blog, video của những phần tử chống đối, phản động; không phát tán, chia sẻ thông tin kích động biểu tình hay hình ảnh, video clip về cảnh tụ tập đông người, biểu tình gây rối; không tin, nghe, làm theo hay ủng hộ lời xúi giục của kẻ xấu có những hành động vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên trang bị cho mình kỹ năng sử dụng mạng xã hội; không ngừng cập nhật kiến thức, nâng cao “sức đề kháng” trước những thông tin xấu, độc; không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; lý luận vững vàng, am hiểu thực tiễn chính trị - xã hội đất nước và thế giới...; sẵn sàng tham gia đấu tranh ngăn chặn kẻ xấu kích động, tự tin để phản biện, chống lại các thông tin xấu, độc, bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ, kịp thời thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng.

Các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị cần tổ chức nhiều hoạt động, nhiều diễn đàn huy động đoàn viên tham gia nhằm tuyên truyền, định hướng cho các thành viên đấu tranh trực diện với những thông tin xấu, độc trên Internet và mạng xã hội; chủ động thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận, kịp thời phát hiện những thông tin xấu, độc để tham mưu cho cấp ủy có những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời. Đồng thời, chủ động tham mưu, trao đổi thông tin với các ban, ngành liên quan để kịp thời ngăn chặn những thông tin xấu, độc; cung cấp thông tin chính thống về những vấn đề nhạy cảm đang diễn ra và tăng cường phòng, chống thông tin xấu, độc, phản bác luận điệu xuyên tạc, sai trái.

HỒ XUÂN ĐỨC

Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Khánh Hòa

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202409/nang-cao-nhan-thuc-cua-can-bo-dang-vien-trong-dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-tren-khong-gian-mang-86c126d/