Nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số

Chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết toàn khóa số 09-NQ/TU về CĐS tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 09-NQ/TU). Để triển khai tốt chương trình CĐS, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã tập trung nhiều giải pháp tuyên truyền... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết toàn khóa số 09-NQ/TU về CĐS tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 09-NQ/TU). Để triển khai tốt chương trình CĐS, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã tập trung nhiều giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp về CĐS.

Cán bộ bộ phận một cửa phường Thống Nhất (thành phố Nam Định) hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Chương trình CĐS toàn khóa của tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2025 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; từ 90% trở lên hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% trở lên ở cấp huyện và 60% trở lên ở cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình; 100% xã phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G; tỉnh xây dựng thành công nền tảng đô thị thông minh… tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030 đạt các mức cao hơn. Để thực hiện các mục tiêu trên, Sở TT và TT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, địa phương về CĐS; sự cần thiết của CĐS cũng như các cơ chế, chính sách, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng đáp ứng yêu cầu CĐS; các giải pháp phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; một số lĩnh vực cần ưu tiên CĐS của tỉnh; việc chuyển đổi, phát triển và ứng dụng các hạ tầng thiết yếu cho hệ thống, mạng lưới và dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh… Sở TT và TT mời chuyên gia của Cục Tin học hóa (Bộ TT và TT) về trực tiếp truyền đạt thông tin, trao đổi kinh nghiệm, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc về CĐS tại địa phương cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở TT và TT xây dựng chuyên mục CĐS trên Cổng thông tin điện tử tỉnh để kịp thời cập nhật các văn bản chỉ đạo và kết quả thực hiện CĐS trên địa bàn. Hướng dẫn hệ thống các sở, ngành, địa phương, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về CĐS bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, sao gửi tài liệu, đăng phát tin, bài trên trang thông tin nội bộ, hệ thống loa truyền thanh. Đồng thời đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả hình thức thông tin, tuyên truyền mới như xây dựng các trang fanpage, facebook để đăng phát tin, bài viết tuyên truyền về CĐS, công nghệ số; hướng dẫn, triển khai các bước ứng dụng công nghệ số trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp...

Cùng với công tác tuyên truyền trực quan, Sở TT và TT đã tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước 3 cấp trên địa bàn tỉnh phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, giải quyết công việc, đáp ứng yêu cầu của công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới từng bước triển khai thực hiện CĐS, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số cho tất cả các sở, ngành địa phương, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn. Trong đó, đối với cán bộ cấp sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Sở TT và TT tập trung trang bị cơ bản các kỹ năng sử dụng Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; các phần mềm, dịch vụ CNTT mới; cập nhật, bổ sung các kỹ năng đối với các phần mềm ứng dụng CNTT đã triển khai. Đối với UBND cấp xã, thì tập trung hướng dẫn sử dụng Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; triển khai cấp Giấy khai sinh điện tử; thanh toán điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp viễn thông phổ cập kỹ năng số cho người lao động; hộ sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và truyền thông xây dựng hình ảnh địa phương...

Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, công tác CĐS trên địa bàn đã đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Đến nay, 100% tổ chức đảng ba cấp tỉnh, huyện, xã; sở, ban, ngành và UBND huyện, xã, phường; 100% cơ sở y tế, trung tâm y tế, bệnh viện chuyên khoa, đa khoa trên địa bàn đã chính thức sử dụng việc chuyển phát và nhận văn bản điện tử. Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được triển khai đến 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, 226 xã, phường, thị trấn. Tỉnh đang hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu của các phần mềm ứng dụng, các hệ thống thông tin giám sát thông minh tại Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận Một cửa với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh. Bảo đảm an toàn, an ninh, bảo mật cho các hệ thống thông tin phục vụ CĐS quốc gia. Phối hợp hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư trên địa bàn. Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Nam Định là địa phương làm tốt việc lắp đặt, đưa vào sử dụng phòng họp không giấy tờ và tổ chức thành công hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến giữa đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 với cử tri toàn tỉnh, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng luật. Các ngành, lĩnh vực đẩy mạnh ứng dụng CNTT, rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CĐS, thời gian tới, căn cứ danh mục CĐS đã được UBND tỉnh phê duyệt, cùng với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Sở TT và TT, các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp về CĐS. Mỗi cán bộ, đảng viên chủ động, tích cực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ CNTT, sẵn sàng tham gia tuyên truyền để lan tỏa lợi ích, ý nghĩa của ứng dụng công nghệ số, góp phần thực hiện thành công chương trình CĐS trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5090/202204/nang-cao-nhan-thuc-cua-nguoi-dan-ve-chuyen-doi-so-2550437/