Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại do thuốc lá gây ra
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và tổn thất mới chỉ cho 5 bệnh trong số 25 căn bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra là khoảng 1% GDP, tương đương với 67.000 tỷ đồng.
Đây là chia sẻ của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tại lễ trao giải Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá" trên Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường năm 2023 được tổ chức vào chiều 22/12.
Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.
Theo điều tra năm 2019 của WHO, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%; năm 2022 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 -15 là 3,5%.
Có thể thấy, chỉ sau 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể. Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.
Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đánh giá cao kết quả thành công của Cuộc thi tìm hiểu Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá trên báo điện tử Tài Nguyên và Môi trường khi có gần 14.000 lượt tham gia. "Cuộc thi có ít nhất gần 14.000 người hoặc hơn nữa đã tìm hiểu, có kiến thức hiểu biết về tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đây mới thực sự là sự thành công đáng biểu dương của cuộc thi", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Theo bà Lý Thị Hồng Điệp, Phó Tổng biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi, chỉ sau 1 tháng phát động, Ban tổ chức nhận được 13.640 bài dự thi, với 150 đơn vị tham dự và kết quả thi trắc nghiệm khá cao. "Đây là con số cực kỳ ấn tượng, bởi mục tiêu ban đầu chúng tôi đặt ra là thu hút từ 1.000 -2.000 người tham gia. Đặc biệt, có gần 1.000 thí sinh tham gia dự thi có viết bài luận, đó là một điều khá hiếm trong thời đại công nghệ như hiện nay. Các bài luận dự thi đã vẽ ra bức tranh vô cùng đa dạng về kỷ niệm, kinh nghiệm của bản thân và người thân, về các giải pháp, sáng kiến để giúp hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá được hiệu quả hơn", bà Điệp chia sẻ.
Ban Tổ chức cuộc thi đã trao giải thưởng cho 5 tập thể có số lượng người tham gia đông nhất và 29 cá nhân có bài dự thi đạt chất lượng tốt nhất. Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội giành Giải Nhất tập thể với hơn 12.000 bài dự thi.
Giải Nhất cá nhân thuộc về tác giả Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường. Là một trong những thí sinh dự thi đầu tiên, ngoài việc trả lời đúng 19/20 câu trắc nghiệm, anh Cao Minh Tuấn còn có những kiến giải, kinh nghiệm sâu sắc đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và ở Việt Nam.
Với kinh nghiệm của một người đã từng hút thuốc và đã từ bỏ, tác giả đã đề xuất một số giải pháp khá thiết thực nhằm hạn chế và hướng đến bỏ hút thuốc lá ở nước ta như: Lắp đặt camera để phạt nguội ở nơi cấm hút thuốc; phải đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào cam kết thi đua hằng năm và ký cam kết giữa các đơn vị và cá nhân; mỗi cá nhân đang hút thuốc cần lên kế hoạch giảm dần lượng thuốc lá hút mỗi ngày, tiến đến bỏ thuốc lá; tìm ủng hộ và hợp tác của người thân, đồng nghiệp…
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, thời gian tới, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ tiếp tục hỗ trợ các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đẩy mạnh các hoạt động tăng cường thông tin giáo dục, truyền thông về tác hại thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá mới, trong đó chú trọng đến việc bảo vệ sức khỏe của thế hệ trẻ khỏi các tác hại của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động.