Nâng cao nhận thức của toàn dân về phòng ngừa cháy, nổ
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh những năm qua thường xuyên đẩy mạnh việc phổ cập kiến thức về PCCC, cách thức sử dụng các thiết bị chữa cháy cầm tay và kỹ năng xử lý tình huống khi gặp sự cố cháy, nổ cho người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về phòng ngừa cháy, nổ.
Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh, Thượng tá Lê Văn Hoàng cho biết: Công tác đảm bảo an toàn PCCC là việc phải được làm thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp bởi cháy, nổ rất dễ trở thành thảm họa. Việc phòng ngừa cháy, nổ cần phải trở thành một thói quen, nguyên tắc sống và ăn sâu vào ý thức của từng người dân, để có những hành động thiết thực ngăn chặn tai nạn cháy, nổ có thể xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại về tính mạng, tài sản. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng ngừa cháy, nổ luôn được lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đặc biệt quan tâm.
Mục tiêu đặt ra là công tác tuyên truyền phải đến được người dân; nội dung, hình thức tuyên truyền phải linh hoạt, đa dạng và phù hợp với từng lứa tuổi, trình độ nhận thức, đặc thù công việc của từng bộ phận dân cư. Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, đã tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng 1.747 tin, bài, phóng sự về nâng cao nhận thức, cách nhận biết các tình huống nguy cơ cháy, nổ và kỹ năng xử lý; tổ chức 1.154 lớp tuyên truyền kiến thức về PCCC&CNCH cho 175.199 người tham gia. Đặc biệt, chú trọng tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực hành về các tình huống cháy, nổ để nâng cao kỹ năng thực hành xử lý.
Bà Hồ Thị Lan, 48 tuổi, tiểu thương kinh doanh mặt hàng tạp hóa tại chợ Đông Hà chia sẻ: “Những hộ kinh doanh tại chợ Đông Hà rất lo ngại đến sự cố cháy nổ, vì gây thiệt hại rất lớn. Những năm gần đây, chúng tôi thường xuyên được tập huấn kỹ năng phòng ngừa và xử lý khi có sự cố cháy nổ.
Chúng tôi được tập huấn về cách sử dụng các thiết bị điện an toàn, kỹ năng thực hành khi có cháy, nổ như: ngắt các thiết bị điện, báo cháy, kỹ năng sử dụng bình chữa cháy để dập tắt đám cháy, kỹ năng khoanh vùng đám cháy và thoát nạn. Sau khi có kiến thức về PCCC, chúng tôi đã tự trang bị cho mình mỗi lô quầy 1 bình chữa cháy. Chúng tôi thấy tự tin và yên tâm hơn. Các tiểu thương tại chợ Đông Hà cũng thường xuyên phối hợp, nhắc nhở nhau trong hoạt động PCCC”.
Ông Trần Văn An, ở số nhà 120 Nguyễn Trãi, TP. Đông Hà là Tổ trưởng Tổ liên gia an toàn PCCC với 18 thành viên. Ông An cho hay, hằng năm các hộ dân trong tổ thường xuyên được lực lượng chức năng tổ chức diễn tập, thực hành những kỹ năng cơ bản trong công tác PCCC&CNCH; được hướng dẫn, cài đặt sử dụng tính năng “Tôi an toàn” trên app “Báo cháy 114” để thông báo cho mọi người trong tổ cùng biết khi xảy ra sự cố cháy, nổ và cùng tham gia PCCC.
Ngoài ra, các hộ dân đều được trang bị các thiết bị như: đèn báo cháy, kìm cộng lực, xà beng, búa; lắp đặt đèn báo thoát hiểm và mỗi gia đình tự trang bị cho mình 1 bình chữa cháy. Từ khi Tổ liên gia an toàn PCCC được thành lập và đi vào hoạt động, các hộ gia đình là thành viên thường xuyên nâng cao ý thức chấp hành, phối hợp tốt trong công tác PCCC, chưa để bất kỳ sự cố cháy, nổ xảy ra.
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh luôn chú trọng tổ chức diễn tập, hướng dẫn những kỹ năng thực hành cơ bản về xử lý cháy và kỹ năng thoát hiểm cho đối tượng là học sinh.
Em Lê Thị Hoài Thu, học sinh lớp 10, Trường THPT Đông Hà cho biết, từ khi đang là học sinh THCS, em thường xuyên được tham gia các khóa tập huấn tại trường về kỹ năng PCCC. Trong đó, em đã được huấn luyện và thực hành thuần thục kỹ năng báo cháy, ngắt nguồn điện, tắt các thiết bị điện và kỹ năng thoát hiểm khi được lực lượng chức năng hỗ trợ bằng máng trượt, cầu thang dã chiến...
Thượng tá Lê Văn Hoàng thông tin: Trong năm 2023, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh đã mở 41 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở với 2.263 người tham gia, cấp 2.263 chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC, thời gian 656 giờ; mở 52 lớp huấn luyện nghiệp vụ CNCH với 1.845 người tham gia, cấp 1.802 giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ, thời gian 1.648 giờ; 30 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH với 914 người tham gia, cấp 744 giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ, thời gian 960 giờ.
Riêng 9 tháng đầu năm 2024, tổ chức 25 lớp tuyên truyền kiến thức về PCCC&CNCH với 1.247 người tham gia, thời gian 34 giờ; 13 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH với 420 người tham gia, cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC & CNCH cho 420 người, thời gian 624 giờ; 10 lớp huấn luyện nghiệp vụ CNCH với 360 người tham gia, cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ CNCH cho 360 người, thời gian 320 giờ; 9 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC với 248 người tham gia, cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 248 người, thời gian 144 giờ.
Các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, thực hành kỹ năng PCCC & CNCH đã góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó cho người dân. Các kỹ năng mà người dân được tiếp cận ngoài chính sách, pháp luật về công tác PCCC&CNCH, người dân đã tiếp cận và diễn tập thuần thục các kỹ năng, biện pháp, giải pháp về thoát nạn, cứu người; các kiến thức trong sử dụng điện, gas, quản lý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa an toàn...
Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, với kỹ năng đã được huấn luyện, mỗi người dân có thể tự xử lý hoặc phối hợp xử lý, góp phần giảm thiểu các vụ cháy xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về tài sản và tính mạng con người.