Nâng cao nhận thức hơn nữa về phòng cháy, chữa cháy

Ngày 10/01/2021, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC chính thức bắt đầu có hiệu lực. Để người dân hiểu rõ hơn về Nghị định và thực hiện hiệu quả, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Khắc Ngọc, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra công tác PCCC tại phường Tô Hiệu (Thành phố).

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra công tác PCCC tại phường Tô Hiệu (Thành phố).

PV: Xin đồng chí cho biết những điểm mới của Nghị định 136 so với Nghị định trước đây?

Đại tá Nguyễn Khắc Ngọc: Nghị định 136 thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Một số điểm mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác PCCC, như: Phù hợp với mô hình tổ chức mới của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH sau tinh gọn bộ máy của lực lượng Công an nhân dân; quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong công tác kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh và cơ sở thuộc phạm vi quản lý; trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Công an và các bộ, ban, ngành... để xây dựng nội dung, thời lượng, quy định về việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, hoạt động ngoại khóa phù hợp với từng cấp học, bậc học và trình độ đào tạo; quy định đầy đủ, chi tiết các thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy kèm theo biểu mẫu nhằm bảo đảm tính thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Ngoài ra, còn một số nội dung mới khác: Một là, bổ sung một số loại hình cơ sở vào danh mục các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, như: nhà trọ; cửa hàng ăn uống; cơ sở dịch vụ xoa bóp, thẩm mỹ... và đặc biệt đã hướng đến loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Hai là, quy định cụ thể về trách nhiệm trong công tác PCCC của chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh; các trường hợp bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC. Ba là, đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, Nghị định đã quy định trách nhiệm của một số cơ quan về quy hoạch, xây dựng; trong đó, quy định rõ các văn bản trả lời kết quả giải quyết thủ tục hành chính về PCCC, xác nhận các yêu cầu về PCCC là một trong các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng đối với công trình. Bốn là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục về PCCC: Một số TTHC được phân cấp giải quyết về Công an cấp huyện như: Cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH; phê duyệt phương án chữa cháy. Năm là, quy định lộ trình trang bị hệ thống cảnh báo cháy, nổ, tai nạn, sự cố nhanh tại các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy.

PV: Thưa đồng chí, một trong những điểm mới nổi bật của Nghị định 136 là đưa nhà trọ và nhà vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh vào quản lý. Theo đó, tùy khối tích xây dựng mà các cơ sở này sẽ do UBND cấp xã hay cơ quan công an quản lý. Xin đồng chí cho biết quy định đã được triển khai thực hiện thế nào tại tỉnh?

Đại tá Nguyễn Khắc Ngọc: Theo Nghị định 136, nhà trọ có khối tích dưới 1.000 m³ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300 m² sẽ do UBND cấp xã quản lý; các cơ sở còn lại với khối tích và tổng diện tích kinh doanh lớn sẽ do cơ quan công an quản lý. Trong thực tế đây là những loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, tồn tại nhiều trong các khu dân cư nhưng nhiều năm qua chưa đưa vào diện quản lý về phòng cháy của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, các loại hình cơ sở chủ yếu được chủ nhà cải tạo, tận dụng lại diện tích nhà ở để sản xuất, kinh doanh, cho thuê trọ nên các chủ nhà đang lúng túng trước quy định mới. Mặt khác, thời gian qua, việc kiểm tra an toàn phòng cháy đều do Công an cấp huyện hoặc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh tiến hành, còn lực lượng Công an cấp xã chưa được đào tạo chuyên sâu về PCCC.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế này, ngay trong năm 2020, đơn vị đã tham mưu với Ban Giám đốc Công an tỉnh mở 2 lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC&CNCH cho 220 cán bộ công an xã. Đơn vị cũng đang phối hợp với Công an các huyện, thành phố tiến hành rà soát các loại hình cơ sở này trên địa bàn toàn tỉnh để đưa vào diện quản lý. Ngay sau khi rà soát, phân loại xong sẽ tham mưu với Ban Giám đốc Công an tỉnh phê duyệt danh sách phân loại, phân cấp trong lực lượng Công an nhân dân và hướng dẫn Công an các huyện, thành phố tham mưu với UBND cùng cấp phân công, phân cấp thực hiện công tác quản lý phù hợp với điều kiện thực tế. Đối với các cơ sở nhà trọ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong quá trình kiểm tra, bước đầu sẽ hướng dẫn chủ cơ sở biết về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình cần phải làm gì, về cơ sở vật chất cần cải tạo thế nào, trang bị những phương tiện, dụng cụ gì để đảm bảo an toàn PCCC. Những cơ sở sau khi đã được cơ quan chức năng hướng dẫn, nhắc nhở mà cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra trang thiết bị PCCC tại phường Tô Hiệu (Thành phố).

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra trang thiết bị PCCC tại phường Tô Hiệu (Thành phố).

PV: Nghị định 136 được triển khai trong toàn tỉnh và lực lượng Cảnh sát PCCC như thế nào?

Đại tá Nguyễn Khắc Ngọc: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 136, đơn vị đã tham mưu với Ban Giám đốc Công an tỉnh đề xuất UBND tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai Nghị định 136 với những nhiệm vụ trọng tâm cụ thể như: Tổ chức hội nghị cấp tỉnh phổ biến, quán triệt nội dung Nghị định 136 và các thông tư hướng dẫn của Bộ Công an tới các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh; đồng thời, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện thống nhất trong lực lượng Công an Sơn La. Tiến hành rà soát, lập danh mục các văn bản pháp luật về PCCC; tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới để đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định 136. Tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình, rà soát, thống kê số liệu khu dân cư, cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC...

Để Nghị định 136 đi vào cuộc sống, đơn vị sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC&CNCH, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện công tác PCCC.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thủy Ngân (Thực hiện)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nang-cao-nhan-thuc-hon-nua-ve-phong-chay-chua-chay-37830