Nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Trong những năm qua, hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích tại huyện Thanh Oai được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện. Đặc biệt, tai nạn thương tích ở trẻ em đang là vấn đề nhức nhối, tùy mức độ nặng nhẹ nhưng có thể trở thành nỗi ám ảnh cho trẻ em và các bậc phụ huynh.
Đây là những thông tin được Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình cho biết tại Lễ phát động “Kết nối cộng đồng chung tay phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em - xây dựng cộng đồng an toàn”, do UBND huyện tổ chức sáng 21/7.
Theo ông Nguyễn Khánh Bình, thời gian gần đây, tình hình tai nạn thương tích ở trẻ em tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chưa có dấu hiệu giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần các em. Cụ thể, qua số liệu thống kê mắc và tử vong do tai nạn thương tích tại 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện cho thấy, năm 2022 tổng số ca mắc tai nạn thương tích là 508 ca, trong đó số ca tai nạn thương tích của trẻ em là 168 ca, số ca tử vong do tai nạn thương tích là 15 ca.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, số ca mắc và tử vong do tai nạn thương tích không giảm và đang có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022 với số ca mắc 471 ca/324 ca; trẻ em là 142 ca/103 ca, 11 ca tử vong trong đó 3 ca tử vong ở trẻ em do đuối nước và tai nạn giao thông.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình cho biết, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tập trung các giải pháp phòng tránh, nâng cao các kỹ năng trong quản lý, giám sát và giảm thiểu đến mức thấp nhất tai nạn thương tích ở trẻ em.
Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, gia đình, trường học và cộng đồng; nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tổ chức tập huấn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho công chức, viên chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, nhân viên y tế cơ sở về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và sơ cứu, cấp cứu ban đầu.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm hỗ trợ, xây dựng thí điểm, đánh giá và nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại các xã, thị trấn; tổ chức Tháng hành động vì trẻ trẻ em, diễn đàn trẻ em nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông đường bộ, sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông cho học sinh; tổ chức thực hiện các hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn giao thông đường bộ, đuối nước, bạo lực học đường cho trẻ em.
Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn sẽ tổ chức triển khai hoạt động can thiệp và tư vấn trực tiếp tại các gia đình nhằm loại bỏ nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em tại gia đình; triển khai chương trình bơi an toàn cho trẻ em, xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em trên địa bàn.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Kiều Anh, để hạn chế mắc và tử vong do tai nạn thương tích thì cần phải có sự chung tay của tất cả các ban, ngành và cộng đồng để giảm thiểu các nguy cơ gây tai nạn cho trẻ em.
"Mọi trẻ em đều có quyền được sống, phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện và được bảo vệ không bị xâm hại, không bị phân biệt đối xử. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em sẽ từng bước kiểm soát tình hình tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội" - bà Nguyễn Thị Kiều Anh nhấn mạnh thêm.
Theo các bác sĩ, đối với trẻ nhỏ từ 2 đến 5 tuổi thường gặp tai nạn thương tích tại nhà như: Ngã, bỏng, hóc dị vật, uống nhầm hóa chất…; còn đối với trẻ từ 6 đến 14 tuổi thường gặp tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông… Bởi, trẻ vốn dĩ rất thích nghịch nước, đặc biệt vào mùa hè nắng nóng. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ từ người lớn khi trẻ bơi lội, chơi đùa trong ao, hồ, bể bơi, thì các em phải đối mặt nguy cơ cao bị đuối nước.
Nhằm phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ em hiệu quả, các bậc phụ huynh, gia đình cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn, đồng thời dặn dò, giáo dục trẻ về ý thức tự bảo vệ chính mình, về các mối nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra khi tham gia giao thông, hay leo trèo, nghịch ngợm. Chú trọng hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng cơ bản nhất tránh nguy cơ đối mặt với những tai nạn khi sinh hoạt, vui chơi.
Tuyệt đối không cho trẻ tự ý leo lên gác cao, cửa sổ đang mở… Các cửa sổ, ban công phải có rào chắn an toàn, bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ vấp, ngã. Với các trẻ lớn hơn, gia đình và nhà trường cần hướng dẫn, giáo dục trẻ cách tham gia giao thông an toàn, chấp hành luật lệ giao thông, không vượt đèn đỏ, đi bộ dưới lòng đường, băng qua đường bất ngờ, đùa nghịch, đá bóng dưới lòng đường, đi xe đạp dàn hàng ngang lấn chiếm làn đường của các phương tiện khác. Tuyệt đối không cho trẻ tập hay đi xe máy, xe đạp điện khi trẻ chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật.
Đối với các công trình thi công nên đặt biển báo hiệu cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.