Nâng cao nhận thức pháp luật về bình đẳng giới
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) về bình đẳng giới (BĐG) trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường và có nhiều đổi mới trong thời gian qua góp phần tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện công tác BĐG; thu hẹp khoảng cách, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho cán bộ, cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Thực hiện Kế hoạch số 87/KH-UBND, ngày 28-3-2022 của UBND tỉnh về truyền thông về BĐG đến năm 2030, là cơ quan đầu mối trong việc tham mưu triển khai thực hiện kế hoạch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giữa nam và nữ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, hướng dẫn các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch; phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động, giải pháp, biện pháp thúc đẩy BĐG; huy động, vận động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, triển khai các mô hình phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, mô hình tăng cường sự tham gia của phụ nữ, sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong việc phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Tổ chức các lớp trang bị kiến thức về BĐG và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho cán bộ, cộng tác viên làm công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ và người dân.
Để tạo điểm nhấn, hằng năm trong tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tạo nên một chiến dịch truyền thông nhằm tăng hiệu ứng, tạo sự lan tỏa từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp Nhân dân.
Thể hiện vai trò của mình, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp hội phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, hội viên, phụ nữ thông qua các hội nghị, hội thảo, phương tiện thông tin đại chúng, truyền thanh cơ sở... Từ đầu năm đến nay Hội LHPN đã tổ chức 23 hội nghị PBGDPL với 435 lượt người tham dự; tổ chức 3 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 137 người tham gia; đăng tải 623 tài liệu trên Internet; in và cấp phát hàng chục nghìn tài liệu PBGDPL. Đặc biệt, trong năm 2022 Hội LHPN tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2025 với Ban Dân tộc tỉnh nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về BĐG; tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện BĐG và nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình, xã hội..., góp phần từng bước thay đổi, xóa bỏ hủ tục, định kiến về giới, giảm khoảng cách về giới trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức các hoạt động văn hóa quần chúng, xây dựng chuyên trang, chuyên mục, triển lãm ảnh, tranh cổ động, tờ rơi, ấn phẩm về giáo dục đời sống gia đình và BĐG. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lồng ghép, xây dựng các vở kịch ngắn, tiểu phẩm, các buổi chiếu phim lưu động tuyên truyền phục vụ Nhân dân về nội dung phòng, chống bạo lực gia đình, BĐG. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn và hệ thống truyền thanh cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030...
Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động truyền thông về BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Ứng dụng công nghệ số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông như: cung cấp tờ gấp, tờ rơi, treo pa-nô, băng-rôn, áp phích và thông tin, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức, phù hợp với các nhóm đối tượng trong từng lĩnh vực và các nhóm đặc thù tại địa phương. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, tập huấn, các cuộc thi về chủ đề BĐG, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác BĐG, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Nhân rộng các mô hình truyền thông về BĐG có hiệu quả. Duy trì mô hình truyền thông, tư vấn về BĐG cho thanh niên và người vị thành niên tại các trường THPT nhằm cung cấp thông tin, kiến thức cho nam, nữ trong độ tuổi thanh niên, vị thành niên. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến học tập, chăm sóc sức khỏe, quan hệ bạn bè, học nghề và hướng nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên, người vị thành niên về BĐG.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vũ Thị Hương, Phó trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, cho biết: Các mô hình, hoạt động truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của các cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức; thúc đẩy BĐG; phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Từ đó làm thay đổi thói quen và hành vi gây nên bất BĐG, từng bước thu hẹp khoảng cách giới, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030 cũng như xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.