Nâng cao nhận thức, sử dụng tiết kiệm năng lượng

Nền nhiệt độ tăng cao gần đây, trùng thời điểm nghỉ hè của học sinh đã khiến nhu cầu sử dụng điện của các hộ gia đình gia tăng và tiền điện thời gian qua tăng đột biến. Điều này khiến nhiều người dân lo ngại khi phải bỏ ra số tiền lớn chi trả hóa đơn tiền điện.

Doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để tiết giảm chi phí tiền điện.

Doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để tiết giảm chi phí tiền điện.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, thay đổi thói quen , ưu tiên sử dụng thiết bị công nghệ hiệu suất cao.

Hóa đơn tiền điện tăng cao

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ việc tháng 6 tăng cao, thậm chí tăng gấp 2-3 lần so với những tháng trước, dù các thiết bị điện không có sự thay đổi. Anh Phạm Ngọc Chiến (phường Tây Mỗ, Hà Nội) cũng giật mình khi thanh toán hơn 2,4 triệu đồng cho hóa đơn tiền điện tháng 6 của gia đình, tăng hơn 700.000 đồng so với tháng trước, trong khi con trai về quê nghỉ hè.

Trước thông tin phản ánh của khách hàng sử dụng điện ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc về hóa đơn tiền điện của tháng 6 tăng đột biến so với bình thường, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, nguyên nhân chính do nắng nóng, nhiệt độ tăng khiến nhu cầu sử dụng điện, nhất là điện sinh hoạt tăng cao đột biến. Nắng nóng cũng tác động lên các thiết bị làm mát, khiến lượng điện năng bị tiêu tốn hơn. Mặt khác, đây đang vào thời điểm nghỉ hè, học sinh ở nhà nên nhu cầu sử dụng điện gia đình tăng cao hơn bình thường. Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện sinh hoạt theo Quyết định số 1279/QĐ-BCT từ ngày 10/5/2025 với mức tăng 4,8% ở tất cả các bậc thang cũng là nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện tăng cao.

Các chuyên gia năng lượng phân tích, khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời, các thiết bị làm mát sẽ vận hành với công suất cao hơn để duy trì hiệu quả, kéo theo đó là lượng điện tiêu thụ tăng vọt. Đồng thời, đối với điều hòa, cứ giảm đi 1 độ C có thể sẽ khiến mức tiêu thụ điện tăng thêm 1,5-2% và việc không bảo dưỡng định kỳ hoặc sử dụng thiết bị cũ, kém hiệu suất cũng làm tiêu hao điện năng nhiều hơn.

Tại Thủ đô Hà Nội, tổng sản lượng trong tháng 6 đạt gần 2.700 triệu kWh, sản lượng điện bình quân hơn 90 triệu kWh/ngày, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2024 và mức đỉnh được ghi nhận ngày 2/6 là 110,9 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay.

Nâng cao ý thức tiết kiệm điện

Theo kết quả tính toán của EVN tổng sản lượng điện tiết kiệm năm 2024 đạt 6.506 triệu kWh, tương đương 2,46% điện thương phẩm.

Ông Hoàng Việt Dũng, Phó Trưởng phòng Hiệu quả năng lượng và chuyển đổi xanh, Cục Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công (Bộ Công thương) cho biết: Các chương trình sử dụng năng lượng đang tiếp tục được đẩy mạnh trong cả nước, nhất là mục tiêu tiết kiệm điện đạt từ 2% tổng sản lượng điện thương phẩm/năm trở lên.

Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, Bộ Công thương đã tập trung vào hai nhóm đối tượng sử dụng năng lượng lớn là công nghiệp và gia đình. Trong đó, nhóm khách hàng công nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để đầu tư công nghệ mới tiết kiệm năng lượng. Còn hộ gia đình sẽ tiếp tục tuyên truyền thay đổi thói quen sử dụng điện, ưu tiên sử dụng thiết bị công nghệ hiệu suất cao.

Phát triển năng lượng mới, xanh sạch cùng với đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là trụ cột quan trọng và cấp bách trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cần sự chung tay của toàn xã hội, từ hành động cụ thể, tự giác của mỗi thành viên, mỗi hộ gia đình và mỗi doanh nghiệp. Điều này không chỉ mang đến lợi ích cho chính khách hàng sử dụng điện mà còn giúp nâng cao chất lượng cung cấp điện.

Cục trưởng Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công Nguyễn Thị Lâm Giang

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã dần trở thành thói quen của mỗi người dân, doanh nghiệp. Không chỉ tuyên truyền, khuyến khích thay đổi về thói quen sử dụng điện, hay thay đổi công nghệ, ngành điện cũng khuyến khích các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh có điều kiện phù hợp nghiên cứu lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và mua bán điện trực tiếp theo Nghị định số 57/2025/NĐ-CP và Nghị định số 58/2025/NĐ-CP của Chính phủ. Đây không chỉ là giải pháp hiệu quả nhằm giảm chi phí điện sinh hoạt, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo định hướng của Chính phủ.

Theo Cục trưởng Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công Nguyễn Thị Lâm Giang, phát triển năng lượng mới, xanh sạch cùng với đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là trụ cột quan trọng và cấp bách trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cần sự chung tay của toàn xã hội, từ hành động cụ thể, tự giác của mỗi thành viên, mỗi hộ gia đình và mỗi doanh nghiệp. Điều này không chỉ mang đến lợi ích cho chính khách hàng sử dụng điện mà còn giúp nâng cao chất lượng cung cấp điện.

ANH KHANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nang-cao-nhan-thuc-su-dung-tiet-kiem-nang-luong-post893272.html