Nâng cao nhận thức toàn xã hội về chính sách với thanh niên xung phong
Sáng 5/4, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Hội cựu thanh niên xung phong Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn quốc gia 'Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện', theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với 63 điểm cầu tại trụ sở các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc trên cả nước.
Trong phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho biết: Diễn đàn thanh niên là sự kiện thường niên, dịp để thanh niên cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng, đồng thời phản ánh ý kiến, kiến nghị với Đảng, Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Với chủ đề “Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện”, Diễn đàn thanh niên năm nay nhằm góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; nhận diện rõ hơn các bất cập của chính sách cũng như trong việc thực hiện chính sách đối với các lực lượng nêu trên.
Từ các ý kiến, góp ý tại diễn đàn, Ban tổ chức sẽ kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương những chính sách phù hợp tình hình mới.
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung như: phân tích, đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện thời gian qua; làm rõ những bất cập trong chính sách và đề xuất hướng giải quyết; nhận diện rõ thực trạng triển khai chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, đi sâu phân tích những kết quả đạt được cũng như tồn tại, bất cập và nguyên nhân.
Hỗ trợ sâu sát hơn với thanh niên xung phong, tình nguyện
Đặt câu hỏi tại diễn đàn, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội, bày tỏ băn khoăn về thực tế các địa phương hiện chưa hiểu rõ, về mẫu Giấy chứng nhận đối với thanh niên sau khi kết thúc chương trình tình nguyện và một số chế độ, chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề gắn với việc làm theo quy định của pháp luật.
Giải đáp thắc mắc nêu trên, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ) Lương Thị Hải Anh cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17 quy định rõ các chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện. Vì vậy, ngay khi phát động xây dựng kế hoạch về chương trình tình nguyện, cần đẩy mạnh triển khai tuyên truyền các chính sách để các bạn trẻ hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi liên quan khi tham gia các hoạt động vì cộng đồng, xã hội.
Liên quan đến chính sách đào tạo việc làm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Đỗ Năng Khánh cho hay, Thông tư số 43 năm 2016 về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề quy định: thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện được hỗ trợ đào tạo nghề, chủ yếu là hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng.
Cụ thể, các đối tượng nêu trên sẽ được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị 12 tháng lương cơ sở; mức hỗ trợ từ 2-6 triệu đồng/tháng tùy cơ sở đào tạo; hỗ trợ tiền ăn 30 nghìn đồng/ngày học, tiền đi lại 200 nghìn đồng cả khóa học, nơi đặc biệt khó khăn là 300 nghìn đồng. Đối với trình độ trung cấp, cao đẳng cũng quy định cụ thể tùy theo nhóm đối tượng. Ngoài ra, còn có chính sách hỗ trợ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, tùy nhóm đối tượng.
Tại diễn đàn, đồng chí Lê Thị Nguyệt, cán bộ Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh và một số đại biểu khác đã đặt vấn đề về quy định ưu tiên khi tham gia tuyển công chức, viên chức đối với đội viên thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nhiệm vụ và những hướng dẫn cụ thể liên quan.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ) Lương Thị Hải Anh, thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ từ 20 tháng trở lên sẽ được cộng 2,5 điểm ở vòng 2 khi tham gia tuyển dụng công chức và thi tuyển viên chức. Hằng năm, các cơ quan có thẩm quyền sẽ ban hành kế hoạch và thông tin rộng rãi về việc thi tuyển công chức, viên chức để các ứng viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực, phù hợp với vị trí việc làm tham gia thi tuyển.
Tăng cường hàm lượng công nghệ thông tin
Từ đầu cầu Hà Nội, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy lực lượng Thanh niên xung phong Nghệ An Nguyễn Đình Thắng nêu ý kiến về những giải pháp hoàn thiện hệ thống lưu trữ hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục chứng minh, tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc giải quyết hồ sơ cho thanh niên xung phong trong bối cảnh chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hiện nay.
Giải đáp thắc mắc nêu trên, Trưởng Ban Thanh niên xung phong Trung ương Đoàn Lê Thanh Tú cho biết: Hiện Trung ương Đoàn đã hoàn thiện hệ thống lưu trữ hồ sơ của thanh niên xung phong. Những hồ sơ từ năm 1999 trở lại đây đã được cập nhật lưu trữ đầy đủ, giai đoạn từ năm 1998 trở về trước còn một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, Trung ương Đoàn hiện đang phối hợp chặt chẽ với Hội Cựu Thanh niên xung phong tiếp tục xử lý triệt để.
Trao đổi thêm về nội dung nêu trên, đồng chí Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho rằng, Trung ương Đoàn cần có mối liên hệ với các cấp chính quyền địa phương để thông tin công khai các chương trình, dự án từ cấp xã, huyện, tỉnh, quốc gia để lực lượng thanh niên xung phong tham gia thực hiện, tăng cường hiệu quả thực tiễn; đồng thời, đề nghị tại những địa bàn khó khăn, gian khổ mà thanh niên xung phong tham gia, cần có chính sách tiền lương, thưởng tăng lên từ 30-50%.
Phát biểu bế mạc diễn đàn, đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam nhận định: những trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin và đề xuất, kiến nghị tại diễn đàn là nội dung quan trọng, có tính nhân văn và giá trị cộng đồng sâu sắc; thể hiện trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quan tâm, chăm lo, phát huy lực lượng thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện trong tình hình mới.
Ghi nhận các ý kiến, câu hỏi, vấn đề đặt ra trong khuôn khổ Diễn đàn, đồng chí Bùi Quang Huy cho biết: Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị để gửi đến các bộ, ngành liên quan để giải quyết theo thẩm quyền và quy định.
Ra mắt Hội đồng Tư vấn chính sách, pháp luật về thanh, thiếu nhi
Dịp này, Trung ương Đoàn đã ra mắt Hội đồng Tư vấn chính sách, pháp luật về thanh, thiếu nhi với 20 thành viên gồm lãnh đạo Trung ương Đoàn, các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên trên 13 lĩnh vực: giáo dục và đào tạo; lao động, việc làm; khởi nghiệp; văn hóa, nghệ thuật; thể dục, thể thao; y tế, sức khỏe; an ninh quốc phòng; tâm lý - xã hội; kỹ năng sống; pháp lý; công nghệ thông tin; ngoại giao; chính sách Đoàn, Hội, Đội.