Nâng cao nhận thức và hành động về bình đẳng giới
Tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng; thành lập, nhân rộng các nhóm truyền thông tiên phong thay đổi trong cộng đồng; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ, trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội..., là những hoạt động trong gần 1 năm qua huyện Sông Mã triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trên địa bàn.
Huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I (2021-2025). Trong quá trình triển khai, phối hợp nguồn lực thực hiện Dự án 8 với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và giới thiệu sâu rộng Dự án 8 đến nhân dân, tập trung vào nhóm đối tượng được thụ hưởng: Phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, bản đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn, lấy chồng người nước ngoài và phụ nữ khuyết tật. Năm 2023, Dự án được triển khai với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng.
Bà Lò Thị Huệ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, cho biết: Hội đã bám sát hướng dẫn triển khai Dự án 8 của Trung ương Hội và kế hoạch của UBND huyện để thực hiện. Xây dựng tài liệu truyền thông; thành lập điểm các nhóm truyền thông tại các bản, xã, trường học để nhân rộng. Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con an toàn và chăm sóc trẻ em. Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền lồng ghép giới trong các chương trình bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên trên địa bàn.
Đến nay, huyện đã thành lập 50/51 tổ truyền thông cộng đồng, 10 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường học và 7 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Tổ chức 26 hội nghị tập huấn cho 2.885 đại biểu là lãnh đạo UBND xã, cán bộ phụ nữ xã, bản, trưởng bản, hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số tại các bản đặc biệt khó khăn... thuộc đối tượng của Dự án. Tổ chức 8 hội nghị tập huấn hỗ trợ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú 24 tháng đầu đời. Hưởng ứng cuộc thi “Lắng nghe con nói” do Trung ương Hội phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã chọn 31 bức tranh và 1 video tham gia cuộc thi cấp tỉnh.
Trước đây, một số bản đặc biệt khó khăn của xã Nà Nghịu còn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Phụ nữ bị bạo lực e ngại, nên thường chọn cách im lặng, chịu đựng. Ông Vũ Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban quản lý mô hình, cho biết: Tháng 3/2023, xã thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, với 7 thành viên là cán bộ công chức văn hóa, tư pháp, y tế, công an xã và hội phụ nữ xã. Sau thành lập, tổ chức tuyên truyền tại các bản và lồng ghép trong cuộc họp bản về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Khảo sát, đánh giá và lựa chọn Trạm Y tế xã làm nơi tạm lánh cho người bị bạo lực để kịp thời chăm sóc về y tế. Các hoạt động tuyên truyền được triển khai quyết liệt, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng về phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Được trang bị các thiết bị, nội dung tuyên truyền, định kỳ hằng tuần, tổ truyền thông cộng đồng bản Cát, xã Mường Hung, lại tuyên truyền trên loa vận động bà con không phân biệt về giới, không xâm hại phụ nữ, trẻ em, không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Khi có trường hợp bị bạo lực hoặc có nguy cơ bạo lực, kịp thời có mặt để vận động, giải quyết mâu thuẫn gia đình. Đã có một số trường hợp được tổ truyền thông đến nhà vận động, giải quyết thành công, như trường hợp của vợ chồng anh L.V.H. Anh H thường xuyên uống rượu, có hành vi xúc phạm, chửi bới vợ con, nắm bắt được thông tin, tổ đã đến tận nhà phân tích, động viên, hàn gắn giúp cho vợ chồng anh H nhìn nhận vấn đề, tránh cãi vã, bạo lực dẫn đến ly hôn.
Em Hoàng Trọng Hải, lớp 9A, thành viên câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường THCS xã Chiềng Khoong, cho biết: Tham gia CLB, em được cập nhật kiến thức, kỹ năng về giới, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, giúp em nhận thức đầy đủ về việc xây dựng cộng đồng an toàn và không bạo lực giới. Em cùng các thành viên CLB động viên các bạn trong trường học lên tiếng về quyền được sống an toàn, được bảo vệ tránh khỏi hành vi bạo lực học đường, xâm hại, bóc lột, bắt cóc, tảo hôn.
Định hướng trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn cho các tổ truyền thông trên địa bàn. Rà soát phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con tại nhà để tham mưu, đề xuất gói hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện xây dựng chuyên đề, phóng sự truyền thông về xóa bỏ định kiến giới, các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Triển khai mô hình sinh kế và hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, kết nối thị trường cho các sản phẩm do tổ hợp tác, HTX của phụ nữ làm chủ.