Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số
Để phát triển các trụ cột về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, vấn đề về nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về chuyển đổi số (CĐS) là vô cùng quan trọng.
Khi tham gia vào tiến trình CĐS, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, các tổ công nghệ số cộng đồng, người dân và doanh nghiệp (DN) cần nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của CĐS trước khi có hành động cụ thể để thực hiện.
* Xây dựng nền tảng về tư duy
CĐS nhìn chung vẫn là khái niệm còn mới mẻ đối với nhiều địa phương, đơn vị, DN, người dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Do đó, quá trình triển khai thực hiện CĐS ở nhiều địa phương, DN gặp nhiều vướng mắc, khó khăn khi chưa biết bắt đầu từ đâu.
Đơn cử, đối với lĩnh vực kinh tế số, theo nhiều chuyên gia, để bắt đầu cho tiến trình CĐS, các DN cần chủ động thay đổi tư duy, hành động. Từ đó sẽ giúp DN, nhất là các DN nhỏ và vừa có sự chủ động trong việc xác định, xây dựng các mô hình quản trị, vận hành trong môi trường số.
Chia sẻ tại sự kiện Biztech Việt Nam 2023, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVV cho rằng, khi nói về CĐS, DN tập trung nhiều vào công cụ mà quên mất CĐS ở đây quan trọng là chuyển đổi về mặt tư duy. Để CĐS thành công, DN cần nhanh nhạy, chủ động hành động, đổi mới về cấu trúc DN, mô hình kinh doanh, thị trường và người dùng.
CĐS là quá trình chuyển đổi từ cách sống, cách làm việc truyền thống sang cách sống và làm việc mới dựa trên các nền tảng công nghệ số, ứng dụng số, nguồn dữ liệu số… Trong đó, nhận thức đóng vai trò quyết định trong CĐS, muốn CĐS trước hết phải chuyển đổi nhận thức.
Chủ tịch Hội Tin học Đồng Nai Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ, trong tiến trình CĐS, vấn đề nâng cao về nhận thức, lan tỏa tinh thần CĐS là vô cùng quan trọng trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay. Do đó, cần có thêm nhiều hoạt động kết nối, hội thảo, hội nghị về CĐS để góp phần giúp người dân, DN được trang bị thêm nhiều kiến thức, tư duy về CĐS.
* Trang bị kiến thức, kỹ năng cho các công dân số
Đồng Nai luôn xác định CĐS là để người dân, DN được hưởng lợi. Đây cũng là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Do đó, để tiến trình CĐS đạt được hiệu quả, vấn đề đầu tiên là cần xây dựng nền tảng về tư duy, nhận thức về CĐS trên các lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số…
Giám đốc Sở TT-TT TẠ QUANG TRƯỜNG cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động phát triển mô hình tuyên truyền trong các cơ sở giáo dục, đào tạo để nâng cao nhận thức, kỹ năng về CĐS cho các công dân số tương lai, cũng như hướng tới đưa những nội dung an toàn thông tin vào các trường học với nội dung phù hợp cho học sinh, sinh viên…
Giám đốc Sở TT-TT Tạ Quang Trường chia sẻ, vấn đề nâng cao nhận thức về CĐS rất quan trọng và cấp thiết. Vì thế, trong thời gian tới, nhất là những tháng cuối năm nay, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung nâng cao nhận thức về CĐS với từng đối tượng và nội dung cụ thể.
Trong đó, chú trọng công tác tập huấn về CĐS, đặc biệt đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý và lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ người dân về CĐS. Tùy vào cấp độ mà xác định nội dung, cách thức tập huấn, hướng dẫn khác nhau với từng đối tượng. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm những mô hình thực tế “người thật, việc thật” về CĐS trong tỉnh và các đơn vị, địa phương có mô hình CĐS hiệu quả. Bên cạnh đó, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh mời các chuyên gia, nhân vật có tầm ảnh hưởng trong hoạt động CĐS về địa phương chia sẻ những nội dung thông tin, kinh nghiệm về CĐS…
Ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết thêm, trong thời gian tới, Hội Tin học Đồng Nai sẽ phối hợp với các sở, ngành tổ chức các hội thảo liên quan đến CĐS, trong đó có các nội dung về an toàn thông tin, kết nối dữ liệu. Đặc biệt, Hội đang xây dựng kế hoạch, phương án với Sở TT-TT về việc phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện CĐS trên địa bàn tỉnh để hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia và Ngày CĐS của tỉnh (10-10). Qua đó, góp phần lan tỏa, nâng cao nhận thức của người dân, DN về CĐS với những chủ đề thiết thực, cụ thể.
Ông Tạ Quang Trường nhấn mạnh, đối với người dân, Sở TT-TT sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về CĐS bằng những chủ đề, nội dung cụ thể. Xã hội số phải có công dân số, công dân số phải được trang bị “vaccine” phù hợp, kịp thời để tồn tại trong môi trường số đang tồn tại nhiều rủi ro, thách thức về an toàn thông tin.
Ngay trong tháng 7 này, Sở TT-TT sẽ phối hợp với nhiều sở, ngành, đơn vị, triển khai nội dung tuyên truyền đến các tổ công nghệ số cộng đồng về Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến trên toàn tỉnh. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hỗ trợ về công nghệ số cho những đối tượng dễ bị tổn thương trong thời buổi công nghệ phát triển như: người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, công nhân/người lao động…
Đối với ngành ngân hàng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo chia sẻ, ngành ngân hàng trong tỉnh đã và đang chú trọng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, CĐS trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, đẩy mạnh phổ biến kiến thức, thông tin tuyên truyền đến người dân, DN trong tỉnh về thanh toán không dùng tiền mặt…