Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát văn bản
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc kiến nghị có giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm hoàn thiện thể chế về công tác giám sát văn bản, nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát văn bản, tạo chuyển biến trong công tác này…
Chiều 11/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024. Đồng thời xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội triển khai giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi lĩnh vực phụ trách theo quy định của Nghị quyết số 560 về Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Theo đó, về cơ bản, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành đã triển khai, thực hiện nghiêm túc những kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội tại kỳ giám sát năm 2021. Tuy nhiên, việc nợ đọng văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong một số Luật vẫn chưa được xử lý dứt điểm...
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp các báo cáo của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; kết quả công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong năm 2022 đạt được kết quả tốt, ngày càng trở thành hoạt động thường xuyên.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, trên cơ sở Nghị quyết số 560, với nhiều nỗ lực cố gắng của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hiệu quả triển khai công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật là khá tốt. Tuy nhiên, những nội dung về phân tích, đánh giá có chiều sâu còn chưa đậm nét.
Chủ tịch Quốc hội gợi ý, bên cạnh kết quả giám sát văn bản của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội thì nên tổng hợp kết quả rà soát văn bản pháp luật của Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cũng như kết quả rà soát của Bộ Công an để bảo đảm tính đầy đủ cho báo cáo gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ban của Đảng, Tòa án, Viện kiểm sát, Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan. “Có như vậy giám sát mới có giá trị”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, qua giám sát cho thấy có văn bản chậm ban hành đến 8 năm, chứng tỏ từ lâu không có rà soát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có những văn bản chậm cũng cần đưa vào báo cáo để bảo đảm khách quan. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ “mình phải soi mình trước, mình phải tự sửa trước, thấy sai phải sửa thì mới tiến bộ được”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết các hạn chế được chỉ ra chủ yếu là chậm, thiếu và một số Ủy ban phát hiện được một số vấn đề là trái quy định pháp luật. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng nên đi sâu vào một số văn bản nổi lên từng thời kỳ. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế phải làm rõ ban hành từ khi nào mà gây ra vướng mắc như thế và vì sao để sửa chậm như thế? Có những vấn đề rất bức xúc với đời sống xã hội, kinh tế - xã hội như một số nghị định vừa ban hành trong lĩnh vực của Ủy ban Tài chính, Ngân sách vừa sửa xong lại phải sửa lại như Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp.
Ghi nhận giá trị của kết quả giám sát văn bản, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu làm kịp thời hơn, tập trung vào một số các văn bản có tính chất cá biệt nổi lên, làm rõ trách nhiệm, từ một vài trường hợp cụ thể có tác động lan tỏa đến toàn bộ hệ thống…
Tham gia phát biểu về nội dung này tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá rất cao Báo cáo giám sát văn bản pháp luật lần này. Với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ về lĩnh vực này, Bộ Tư pháp nhận thức rất rõ rằng, công tác xây dựng pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng. Muốn xây dựng pháp luật tốt đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều cơ quan.
Do đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 560 nên Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc mong muốn có cơ hội để các cơ quan cùng ngồi lại cơ bản thống nhất những nội dung được triển khai trong Báo cáo. Đồng thời kiến nghị có giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm hoàn thiện thể chế về công tác giám sát văn bản, nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát văn bản, tạo chuyển biến trong công tác này…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị sau quá trình hoàn thiện Báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản kết luận chính thức gửi tới các cơ quan hữu quan, để truyền tải đầy đủ tinh thần và có cơ sở vững chắc cho các cơ quan triển khai bài bản, góp phần nâng cao chất lượng công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau 2 ngày làm việc khẩn trương tích cực, Phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với 8 nội dung. Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với từng nội dung cụ thể đã có kết luận cụ thể và đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội sớm phối hợp với các cơ quan để trình ban hành ngay các kết luận để các cơ quan có căn cứ pháp lý tổ chức thực hiện.
Nhấn mạnh Phiên họp thứ 22 là một phiên họp quan trọng để chuẩn bị cho các nội dung của Kỳ họp thứ 5, nhất là công tác lập pháp trong khi quỹ thời gian còn rất ngắn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội và Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội bám sát chương trình dự kiến đã được thông qua để tiến hành các hoạt động của từng cơ quan và đôn đốc các cơ quan, tổ chức thực hiện. Chủ tịch Quốc hội chỉ ra tình trạng chậm gửi tài liệu đến Phiên họp và đề nghị các cơ quan nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Cho biết ngày 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bắt đầu phiên họp chuyên đề pháp luật để cho ý kiến về các dự án luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục quán triệt nguyên tắc chung là khẩn trương, nỗ lực cao nhất, phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng với Chính phủ, các cơ quan hữu quan bảo đảm các nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, hồ sơ đầy đủ thì mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội.