Nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ tri thức khoa học, công nghệ và nhiệm vụ chuyển đổi số

Có 7 tham luận được trình bày xoay quanh các vấn đề về chuyển đổi số với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long; thực trạng và giải pháp chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực du lịch, lao động, người có công và xã hội; tiềm năng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật để cung ứng giải pháp chuyển đổi số cho sự phát triển kinh tế - xã hội; vai trò của doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trong công cuộc chuyển đổi số doanh nghiệp, nền tảng du lịch thông minh…

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những khó khăn, hạn chế khi thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội, quản lý đất đai, cơ sở hạ tầng công nghệ trong chuyển đổi số doanh nghiệp… đồng thời kiến nghị giải pháp tháo gỡ.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng vinh danh các tác giả đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng vinh danh các tác giả đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Theo đồng chí Hứa Chu Khem - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Sóc Trăng, hiện nay có nhiều giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp được triển khai, ứng dụng hiệu quả như: IoT và cảm biến trên cánh đồng, máy bay không người lái giám sát, chăm sóc cây trồng, canh tác và robotics. Ngành nông nghiệp và một số địa phương đã quan tâm chủ động ứng dụng các giải pháp số trong sản xuất nông nghiệp và quản trị nông thôn. Tuy nhiên, các ứng dụng công nghệ thông tin trang bị cho một số cơ sở vẫn chưa phát huy tác dụng, chưa có chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số…

“Chuyển đổi số trong nông nghiệp cần thận trọng. Với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, chuyển đổi số nông nghiệp không được phép sai lầm. Không phải tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải số hóa đồng loạt. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng được, cần có sự liên kết, thống nhất với nhau giữa các chủ thể để đảm bảo cho có hiệu quả” - đồng chí Hứa Chu Khem chia sẻ.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Huỳnh Thị Diễm Ngọc ghi nhận sự đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động chuyển đổi số của địa phương. Yêu cầu đặt ra của các cấp, các ngành, địa phương là tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của đội ngũ tri thức khoa học và công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, về nhiệm vụ chuyển đổi số; triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đối với đội ngũ tri thức tỉnh cần có sự tập trung, hỗ trợ để phát triển nhân tố con người, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Sóc Trăng, Câu lạc bộ Tri thức tỉnh tiếp tục phát huy vai trò cầu nối tập hợp, phát huy trí tuệ của đội ngũ tri thức, trên cơ sở đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn Trường Đại học Cần Thơ, các doanh nghiệp viễn thông sẽ đồng hành, hỗ trợ địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số.

Tại hội thảo, UBND tỉnh cũng đã trang trọng vinh danh các tác giả đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sĩ Trần Tấn Phương và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương.

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/giao-duc-khoa-hoc-cong-nghe/nang-cao-nhan-thuc-ve-vai-tro-cua-doi-ngu-tri-thuc-khoa-hoc-cong-nghe-va-nhiem-vu-chuyen-doi-so-65332.html