Nâng cao nhận thức về vai trò của việc tự học trong kỷ nguyên số

Ngày 3/10, tại Trường Trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình), quận Ba Đình đã tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023 với chủ đề 'Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số'.

Phát biểu tại buỗi lễ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023 được quận Ba Đình tổ chức từ ngày 3 đến ngày 8/10 nhằm đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của việc tự học trong kỷ nguyên số; đồng thời mở ra cho cộng đồng cơ hội để tiếp cận tri thức, cơ hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời mọi lúc, mọi nơi, mở rộng không gian, thời gian, phương pháp hình thức học tập mới.

Quận Ba Đình tổ chức khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023

Quận Ba Đình tổ chức khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023

Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình, hiện nay, quận đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng GD&ĐT dựa vào công nghệ số trong cả giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Đã có nhiều mô hình giáo dục thông minh đang được quận quan tâm, đầu tư trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin; hỗ trợ đắc lực việc học tập; thuận lợi hơn, dễ dàng hơn cho việc truy cập, khai thác kho kiến thức phong phú, đa dạng trên môi trường mạng. Đặc biệt, các mô hình đã giúp việc tương tác giữa gia đình, nhà trường, giữa giáo viên và học sinh gần như tức thời, hiệu quả; đảm bảo điều kiện để mỗi người học tự nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng, tư duy trong học tập và làm việc; qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động và chất lượng cuộc sống của người dân.

“Sự phát triển không ngừng của cách mạng khoa học - công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, các phần mềm - ứng dụng thông minh đã và đang tạo ra rất nhiều cơ hội học tập, nâng cao năng lực tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học tập thông minh… trong đó năng lực tự học là quan trọng nhất, đặc biệt là trong kỷ nguyên số. Đây được coi là bí quyết thành công để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Chủ đề năm nay đã đi đúng hướng, khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành một trong những dòng chảy chính mà bất cứ quốc gia nào nếu không muốn bị tụt hậu thì nhất thiết phải nhanh chóng tiếp cận, bắt kịp những thành tựu tiến bộ của khoa học - công nghệ số. Đây là cuộc cách mạng để các nước nghèo hơn, đi sau, có nhiều cơ hội vươn lên thoát nghèo, thậm chí đuổi kịp các nước giàu có, văn minh khác, bởi hoài bão của các nước nghèo, nơi khó khăn luôn lớn hơn, khát vọng cao hơn các nước đã phát triển”, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình nhấn mạnh.

Thay mặt Ban Chỉ đạo xã hội học tập quận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận đề nghị các phòng, ban, đơn vị, trường học, đoàn thể chính trị - xã hội quận chú trọng xây dựng, ứng dụng các mô hình thư viện thông minh, lớp học thông minh, trường học thông minh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học và văn hóa đọc; tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục xây dựng, thu thập, khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở hữu ích (sách, báo, bài giảng điện tử...); khuyến khích giáo viên, học sinh, sinh viên và nhân dân quận tham gia diễn đàn, câu lạc bộ trực tuyến, giao lưu, chia sẻ về sách, văn hóa đọc, nghiên cứu khoa học..., góp phần xây dựng cộng đồng học tập trực tuyến ngày càng phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng; tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin trên mạng Internet an toàn, hiệu quả cho học sinh, sinh viên, phụ huynh, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn; tạo các diễn đàn, cuộc thi về chủ đề công dân học tập, công dân toàn cầu để nâng cao kỹ năng, năng lực thiết yếu của công dân trong kỷ nguyên số.

Ngành GD&ĐT quận cũng chủ động hướng dẫn nhà trường đẩy mạnh việc hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh nghiệm quản lý, nguồn nhân lực...; tăng cường hoạt động khuyến đọc, triển khai mô hình đọc sách/chia sẻ tri thức liên thế hệ, luân chuyển sách, báo, tài liệu giấy và tài liệu số; tiếp tục phát động phong trào xây dựng “Tủ sách lớp học” trong cơ sở giáo dục; đa dạng hóa hoạt động giáo dục, học tập tại thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ... góp phần tạo thói quen, nhu cầu học tập thường xuyên cho học sinh và người dân, từng bước xây dựng văn hóa học tập suốt đời cho cộng đồng...

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-nhan-thuc-ve-vai-tro-cua-viec-tu-hoc-trong-ky-nguyen-so-161051.html