Nâng cao quyền năng kiến nghị, kháng nghị của viện kiểm sát

'Liêm chính, tận tụy, trách nhiệm và hiệu quả', mỗi cán bộ, kiểm sát viên Sóc Trăng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời tham mưu, báo cáo lãnh đạo thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị, không để xảy ra tình trạng phát hiện vi phạm mà thời hạn kháng nghị sơ, phúc thẩm không còn. Từ đó, đảm bảo mọi bản án, quyết định của tòa án được ban hành đúng trình tự thủ tục và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể, cá nhân theo quy định pháp luật.

Để nâng cao chất lượng kiểm sát việc thụ lý, giải quyết án dân sự cũng như hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội và ngành giao, cán bộ, kiểm sát viên luôn nỗ lực, tích cực đổi mới phương pháp làm việc cũng như đề ra các giải pháp phù hợp. Đồng chí Lâm Thăng Bằng - Trưởng Phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Phòng 9) thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm 2024, Phòng 9 đã quyết định xây dựng kế hoạch đột phá là:“Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát bản án, quyết định của tòa án, kịp thời phát hiện vi phạm thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị”. Khi đó, lãnh đạo phòng đã quán triệt trong toàn thể đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở kiểm sát viên trong việc kiểm sát chặt chẽ bản án, quyết định của tòa án. Đồng thời, yêu cầu từng cán bộ, kiểm sát viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, cập nhật, nghiên cứu các văn bản pháp luật cũng như những quy định của ngành và các văn bản có liên quan đến nhiệm vụ được phân công cụ thể. Kiểm sát viên được phân công phụ trách địa bàn phải cập nhật đầy đủ số bản án, quyết định của cấp sơ thẩm gửi đến; kiểm tra chặt chẽ về hình thức, nội dung các bản án, quyết định. Đối với các vụ, việc kiểm sát viên không tham gia phiên tòa, phiên họp, quá trình kiểm sát thấy cần thiết thì kiểm sát viên yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ; đối với quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự đối với những việc phức tạp thì kiểm sát viên nên xem xét biên bản hòa giải, thời gian lập biên bản, nội dung thỏa thuận của các đương sự có phù hợp với quy định của pháp luật hay không; đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ, kiểm sát chặt chẽ căn cứ để ra quyết định, hình thức, hậu quả của việc tạm đình chỉ, đình chỉ như thế nào...

Phòng 9 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng thực hiện tốt công tác kiến nghị, kháng nghị. Ảnh: SỚM MAI

Phòng 9 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng thực hiện tốt công tác kiến nghị, kháng nghị. Ảnh: SỚM MAI

Khi kiểm sát bản án, quyết định của tòa án, nếu phát hiện vi phạm, kiểm sát viên phải kịp thời báo cáo lãnh đạo phụ trách về đường lối xử lý. Phòng 9 thường xuyên phối hợp với cấp huyện trong việc gửi bản án, quyết định cấp sơ thẩm. Qua đó, kiểm tra chặt chẽ cả hình thức lẫn nội dung của bản án, quyết định nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng, báo cáo lãnh đạo thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm; trường hợp thời hạn cấp phúc thẩm đã hết, báo cáo lãnh đạo phụ trách xem xét để báo cáo Viện Kiểm sát cấp cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Thông qua số liệu thống kê việc giải quyết của cấp huyện gửi lên, hằng tháng đối chiếu với bản án, quyết định của cấp huyện gửi lên, phòng sẽ trao đổi, nhắc nhở hoặc sẽ tổng hợp thông báo rút kinh nghiệm chung.

Bằng sự quyết tâm, nỗ lực, chỉ 6 tháng đầu năm 2024, Phòng 9 đã thực hiện đạt, vượt nhiều chỉ tiêu của ngành và Quốc hội giao trong công tác kháng nghị, kiến nghị. Cụ thể, Phòng 9 thụ lý kiểm sát 757 vụ việc (sơ thẩm 437 vụ, việc; phúc thẩm 320 vụ, việc), tăng 105 vụ, việc so với cùng kỳ năm 2023. Đơn vị đã kiểm sát 100% các vụ việc thụ lý, đã giải quyết 158 vụ, việc sơ thẩm và 225 vụ, việc theo thủ tục phúc thẩm. Qua kiểm sát, đơn vị đã phát hiện và ban hành 19 kháng nghị (đạt 100% so với án hủy sửa có lỗi của viện kiểm sát, vượt 80% so với chỉ tiêu của ngành) và 6 kiến nghị đối với các bản án, quyết định của tòa án hai cấp. Quan trọng là chất lượng, hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã thống nhất với quan điểm kháng nghị của viện kiểm sát đạt 100% (vượt chỉ tiêu của ngành và của Quốc hội giao 30%); các kiến nghị đối với tòa án và kiến nghị phòng ngừa được tiếp thu, khắc phục, sửa chữa, trong kỳ không phát sinh các án hủy có trách nhiệm của viện kiểm sát. Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện tốt nhiều chỉ tiêu khác như về ban hành kháng nghị thực hiện tốt việc kiểm sát trả lại đơn khởi kiện; ban hành yêu cầu tòa án xác minh, thu thập chứng cứ đối với những vụ, việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ; kiểm sát viên kiểm sát tại phiên tòa, phiên họp…

Cũng theo đồng chí Lâm Thăng Bằng, đơn vị sẽ tập trung thực hiện quyền kháng nghị, chủ động kiểm sát các hoạt động tố tụng từ khi tòa án ra thông báo thụ lý vụ việc và trong suốt quá trình giải quyết vụ việc. Chủ động nghiên cứu, thực hiện các hướng dẫn, thông báo rút kinh nghiệm, các tài liệu tập huấn của các hội nghị chuyên đề về lĩnh vực công tác này. Tăng cường công tác phối hợp giữa hai cấp kiểm sát, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc, để được tháo gỡ. Để bảo vệ kháng nghị, kiểm sát viên cấp phúc thẩm đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nội dung kháng nghị, kiểm tra các tài liệu chứng cứ kèm theo. Nghiên cứu kháng cáo của đương sự để xác định giữa nội dung đương sự kháng cáo với nội dung viện kiểm sát kháng nghị có đồng nhất hoặc mâu thuẫn nhau hay không. Tại phiên tòa phúc thẩm, kiểm sát viên có bản lĩnh, kinh nghiệm, kỹ năng lập luận sắc sảo, có tính thuyết phục cao.

Để kiến nghị, kháng nghị đạt chất lượng, kiểm sát viên phải nêu theo từng vấn đề kháng nghị, chỉ ra được những tài liệu chứng cứ chứng minh cho nội dung kháng nghị phải dựa trên những quy định của pháp luật để lập luận những vi phạm của cấp sơ thẩm, làm cơ sở đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận. Đối với các kháng nghị không được chấp nhận, đơn vị tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm chung một cách nghiêm túc đối với những thiếu sót của kiểm sát viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ (nếu có), cũng như trong quá trình ban hành kháng nghị đã đánh giá không toàn vẹn về chứng cứ, tài liệu, nội dung trong hồ sơ vụ việc…

Bằng sự nỗ lực, quyết tâm, mỗi cán bộ, kiểm sát viên còn tự nâng cao ý thức chính trị, trình độ nghiệp vụ với những kỹ năng kiểm sát cần thiết. Chính năng lực của đội ngũ cán bộ, chuyên viên, kiểm sát viên đã củng cố và góp phần thực hiện tốt công tác kiểm sát, thực hiện tốt quyền yêu cầu, quyền kiến nghị và quyền kháng nghị mà pháp luật đã quy định cho ngành Kiểm sát nhân dân theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

SỚM MAI - VIỆT TUẤN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/nang-cao-quyen-nang-kien-nghi-khang-nghi-cua-vien-kiem-sat-75680.html