Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

Quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội để hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế song cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là đối với phụ nữ. Tăng cường hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ nhằm đảm bảo bình đẳng giới chính là mục tiêu hướng đến của các quốc gia.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nghe giới thiệu về sản phẩm nông nghiệp triển lãm tại Hội thảo Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh: T.T

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nghe giới thiệu về sản phẩm nông nghiệp triển lãm tại Hội thảo Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh: T.T

Hiện nay ở nhiều nơi, trong quan niệm của nhiều người vẫn coi việc tề gia, nội trợ của phụ nữ là không kiếm ra tiền song trên thực tế những công việc “không tên” này đã tạo ra hơn 16 tỉ USD/năm theo tính toán của Tổ chức UN Women toàn cầu. Từ nhận thức này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay là hỗ trợ nâng cao quyền năng về kinh tế cho phụ nữ, đồng nghĩa nâng cao vị thế, bình đẳng giới. Tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ thường được hiểu là các hỗ trợ giúp phụ nữ thoát nghèo, tạo cơ hội và khả năng tiếp cận cũng như đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người về chăm sóc sức khỏe, học hành, ăn, mặc, ở và có cơ hội được tự chủ về kinh tế ngang với nam giới.

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh Quảng Trị, trong 5 năm qua, hội đã hỗ trợ 429 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với hình thức hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, tư vấn xây dựng thương hiệu... góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng quy mô thị trường. Các cấp hội đã nhân rộng 306 mô hình phát triển kinh tế giỏi do phụ nữ làm chủ, nâng tổng số toàn tỉnh đến nay lên 2.186 mô hình, thu nhập bình quân mỗi mô hình trên 100 triệu đồng/ năm.

Trong 5 năm qua đã có 3.378 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ kinh tế thoát nghèo, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn 7,03% vào cuối năm 2020. Nhiều chương trình, hoạt động, mô hình hỗ trợ, đào tạo khởi nghiệp, tiếp cận nguồn tài chính, tín dụng, tiếp cận thị trường cho phụ nữ, phát triển mạng lưới doanh nhân nữ và các hoạt động dạy nghề cho phụ nữ cũng được triển khai hiệu quả.

Vậy giải pháp nào để hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động, bởi COVID-19 như hiện nay? Tại Diễn đàn APEC về phụ nữ và kinh tế năm 2021 do New Zealand chủ trì tổ chức vào cuối tháng 9/2021, các nước đã thảo luận và thống nhất việc thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ với các hành động cụ thể như thu hẹp khoảng cách tiền công theo giới và phân biệt nghề nghiệp; thúc đẩy cân bằng công việc-cuộc sống và chia sẻ bình đẳng việc nhà không được trả lương cũng như trách nhiệm chăm sóc; thúc đẩy tiếp cận việc làm không bị phân biệt đối xử, có chất lượng cao và bền vững; xóa bỏ bạo lực giới dưới mọi hình thức tại nơi làm việc; bảo đảm tiếp cận thông tin và dịch vụ y tế; thúc đẩy quá trình chuyển đổi của phụ nữ từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức; hỗ trợ khả năng kinh doanh của phụ nữ và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ lãnh đạo; thúc đẩy việc tiếp cận các lựa chọn về di chuyển và giao thông an toàn, hợp lý.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Hội LHPN tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ giai đoạn 2021-2026. Đó là vận động phụ nữ phát huy tinh thần vượt khó, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tiếp tục thực hiện các hoạt động giúp phụ nữ thoát nghèo đa chiều có địa chỉ trên cơ sở rà soát, nắm bắt cụ thể nguyên nhân nghèo và phân công giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững. Nâng cao hiệu quả triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.

Kết nối, mở rộng liên kết, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Hỗ trợ, nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết do hội hỗ trợ thành lập, hỗ trợ phụ nữ kết nối tiêu thụ sản phẩm. Phát huy vai trò của các câu lạc bộ “Nữ doanh nhân” trong hỗ trợ phát triển kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nữ. Mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng để tạo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của hội viên. Tập trung thực hiện tốt hoạt động ủy thác tín dụng với Ngân hàng Chính sách-xã hội, Agribank và các tổ chức tín dụng khác. Quản lý, vận hành có hiệu quả quỹ “Hỗ trợ phụ nữ nghèo”. Phối hợp liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, góp phần củng cố vị thế của phụ nữ trong xã hội.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=162583&title=nang-cao-quyen-nang-kinh-te-cho-phu-nu