'Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ' là trọng tâm trong nỗ lực phục hồi kinh tế ASEM
Đối thoại Cấp cao ASEM về 'Thúc đẩy quyền năng kinh tế phụ nữ trong bối cảnh đại dịch Covid-19' đã kết thúc thành công với nhiều chia sẻ về thực tiễn và kinh nghiệm của các nước, hợp tác khu vực và toàn cầu trong thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Diễn ra trong buổi chiều các ngày 12 và 13/10, với 4 Phiên thảo luận chính sôi nổi và hiệu quả của gần 130 đại biểu đến từ 41 nước thành viên Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) và 7 tổ chức quốc tế và khu vực liên quan, Đối thoại Cấp cao ASEM về “Thúc đẩy quyền năng kinh tế phụ nữ trong bối cảnh đại dịch Covid-19" được tổ chức dưới hình thức kết hợp họp trực tiếp và trực tuyến đã kết thúc thành công với nhiều chia sẻ về thực tiễn và kinh nghiệm của các nước, hợp tác khu vực và toàn cầu trong thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ. Đối thoại đã thống nhất về một số khuyến nghị cụ thể, thực chất nhằm tăng cường hợp tác Á - Âu trong lĩnh vực này.
Đánh giá cao về ý nghĩa kịp thời của Đối thoại, các ý kiến thảo luận tại Đối thoại đã có cách tiếp cận đa chiều về vấn đề nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, yếu tố nền tảng và điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.
Nhiều đại biểu đặc biệt nhấn mạnh phụ nữ và trẻ em gái cần được đặt ở “vị trí trung tâm” trong các giải pháp phục hồi kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang làm nghiêm trọng hơn sự bất bình đẳng, tính dễ bị tổn thương của mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, hơn bao giờ hết, cần ưu tiên mọi nguồn lực để nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, khẳng định vai trò tiên phong của phụ nữ trong phục hồi kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm chủ.
Đây chính là nhân tố then chốt bảo đảm triển khai thành công các Mục tiêu phát triển bền vững 2030, thúc đẩy bình đẳng giới và không bỏ ai ở lại phía sau.
Nhiều thực tiễn tốt của các quốc gia về chính sách và các giải pháp thực thi đã được thảo luận, đặc biệt trong các lĩnh vực mà thu nhập và việc làm của phụ nữ chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh như y tế và chăm sóc sức khỏe, dệt may, da giầy, dịch vụ du lịch… và trong giải quyết các thách thức đang nổi lên như nguy cơ đói nghèo lần đầu tiên tăng trở lại sau 30 năm, khoảng cách giới trong lãnh đạo ở cả khu vực nhà nước và tư nhân, quyền phụ nữ bị xâm hại, không được đào tạo đầy đủ, mất việc làm,…
Thu hẹp khoảng cách giới trong thời đại số cũng là một trong những chủ đề thu hút được sự quan tâm. Các đại biểu đề cao ý nghĩa quan trọng của tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và ứng dụng số của phụ nữ trong bối cảnh phụ nữ và trẻ em gái đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản từ hạn chế về năng lực, rào cản văn hóa, rào cản về an ninh…
Theo đó, cần phải có cách tiếp cận tổng thể, giải quyết tận gốc thông qua các biện pháp từ nâng cao nhận thức của phụ nữ về số đến các giải pháp về chính sách và công nghệ trong lĩnh vực tài chính, giáo dục - đào tạo, môi trường, sản xuất…
Cũng tại Đối thoại, bà Hà Thị Minh Đức, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đại diện đoàn Việt Nam chia sẻ về thực tiễn hợp tác ASEAN về nâng cao quyền năng cho tất cả phụ nữ hướng tới Cộng đồng ASEAN vì con người và lấy con người làm trung tâm.
Phát biểu bế mạc Đối thoại, bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Quan chức Cao cấp (SOM) ASEM của Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao, một lần nữa khẳng định ý nghĩa quan trọng của Đối thoại, nhấn mạnh các khuyến nghị được thông qua tại Đối thoại sẽ được trình lên Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEM lần thứ 6, các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành liên quan và Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 13 (Campuchia, 2021).
Sự thành công của Đối thoại đã góp phần đẩy mạnh các nỗ lực quốc tế về thúc đẩy bình đẳng giới trong năm 2020 - năm có ý nghĩa quan trọng với nhiều dấu mốc về hợp tác bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ: 75 năm Hiến chương Liên hợp quốc, hiệp định quốc tế đầu tiên công nhận bình đẳng giới; 25 năm Tuyên bố Bắc Kinh và Nền tảng Hành động, một lộ trình mang ý nghĩa lịch sử vì quyền phụ nữ.
Đối thoại Cấp cao ASEM về “Thúc đẩy quyền năng kinh tế phụ nữ trong bối cảnh đại dịch Covid-19" là hoạt động triển khai Sáng kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề xuất tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 14 tại Madrid, Tây Ban Nha, tháng 12/2019.