Nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam
Nhiều ý kiến trong Quốc hội cho rằng cần có chính sách ưu đãi mạnh hơn để khuyến khích các thành phần kinh tế trong xã hội đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu tại tổ. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Chiều 21/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Cần bổ sung đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, đa số đại biểu Quốc hội thể hiện quan điểm nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết bổ sung đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Việc bổ sung đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; giảm bớt khó khăn cho nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự kiến miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho toàn bộ đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết 55, bao gồm cả phần vượt hạn mức (“Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp nhưng không quá hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết này. Đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp”.). Nhiều ý kiến cho rằng việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp cho các hộ gia đình, cá nhân, kể cả phần vượt hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn của hộ gia đình, cá nhân chỉ khoảng 34,3 tỷ đồng/năm là không lớn và có tác động không đáng kể tới thu ngân sách nhà nước.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành đề nghị của Chính phủ miễn toàn bộ thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 55/2010/QH12 (“Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp”). Các ý kiến cho rằng để khuyến khích các thành phần kinh tế trong xã hội đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì cần có chính sách ưu đãi mạnh hơn. Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp trong nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quan điểm của Chính phủ sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của Bộ luật Hình sự, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Không làm thay đổi những chính sách lớn của Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 cần tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Theo Tờ trình của Chính phủ, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc Phần: Những quy định chung và 123 điều thuộc Phần: Các tội phạm, trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 01 điều.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quan điểm của Chính phủ về việc bổ sung chất ma túy XLR-11 (được tẩm trong cỏ Mỹ) thuộc danh mục II và lá cây Khat (có chứa chất ma túy Cathinone) thuộc danh mục I của Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ vào Bộ luật Hình sự; bổ sung quy định các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc danh mục do Chính phủ ban hành, vào Bộ luật hình sự. Thực tiễn cho thấy tội phạm về ma túy diễn biến rất phức tạp, khó lường; sẽ có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều loại cây, lá, hoa, quả… có chứa chất ma túy nên cần phải có quy định mang tính dự báo trong Bộ luật Hình sự năm 2015 để vừa bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ, không thể lạm dụng. Tuy nhiên, mức định lượng của “cây khác có chứa chất ma túy” làm cơ sở định tội, định khung hình phạt thì cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khoa học, hợp lý trong các quy định cụ thể của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đề xuất chưa thông qua dự thảo Luật ngay tại kỳ họp thứ 2
Tại phiên thảo luận chiều 21/10 ghi nhận nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chưa thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100 ngay tại kỳ họp thứ 2 này. Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) nêu quan điểm cần thận trọng trong nghiên cứu để đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật sau khi được Quốc hội thông qua. Theo đại biểu không nên "áp" sẽ thông qua tại kỳ 2 hay kỳ 3 của Quốc hội, nếu chưa bàn thảo, thống nhất, làm sáng tỏ được vấn đề.
Nhiều ý kiến đề xuất tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận cho ý kiến và tại kỳ họp thứ 3 thông qua. Các ý kiến đều cho rằng dự án Luật bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung 141 Điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Nhiều nội dung của dự thảo Luật liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan. Đây là những vấn đề lớn, liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành, cần phải thống nhất về quan điểm và đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn các chuyên gia cả về lý luận và thực tiễn thì mới có phương án sửa đổi khả thi. Qua ý kiến của nhiều thành viên cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp cho thấy còn nhiều vấn đề cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để có phương án sửa đổi phù hợp.
Với quan điểm không được chủ quan, nóng vội, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) nêu quan điểm không thông qua dự thảo Luật này trong kỳ 2 nhưng không được "đủng đỉnh", bởi Bộ luật Hình sự 2015 đã được Chính phủ, Quốc hội XIII triển khai bài bản theo đúng trình tự của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ luật Hình sự 2015 thể hiện đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng cho rằng không nên kéo dài bởi còn 3 đạo luật khác đang phải lùi hiệu lực vì việc tạm dừng thi hành Bộ luật Hình sự 2015.