Nâng cao thu nhập cho giáo viên: Cần chính sách tổng thể, thiết thực!
Các thầy cô mong muốn có chính sách lương hợp lý, cùng các chính sách ưu đãi, cởi trói khác để giáo viên có điều kiện nâng cao thu nhập, gắn bó với nghề.
Lương không đủ sống, vật vã theo nghề
Ngày 15/8, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Bộ trưởng gặp gỡ thầy cô giáo trong toàn quốc. Đây là mong muốn của Bộ trưởng muốn được lắng nghe, chia sẻ tâm tư của thầy cô. Một trong những vấn đề nổi cộm được các thầy cô đề cập nhiều nhất chính là vấn đề đời sống. Đại đa số thầy cô giáo sống chính bằng nguồn thu nhập từ lương nên cuộc sống của thầy cô rất bấp bênh.
Chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cô Nguyễn Thị Duyên - giáo viên Trường Tiểu học Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) cho biết, mỗi giáo viên khi tham gia lĩnh vực giáo dục đều rất tâm huyết với nghề, tận tâm trong công việc, nỗ lực không ngừng trau dồi kiến thức để nâng cao chất lượng dạy học. Do đó, cần có mức lương phù hợp hơn để giáo viên yên tâm công tác.
“Với một giáo viên mới ra trường, mức lương hiện nay không đủ để trang trải cuộc sống nên có nhiều thầy cô phải chuyển ngành. Một số em học ra trường nhưng không đi dạy mà xin làm ở một số ngành khác do mức lương thấp. Vì thế giáo viên hiện nay thiếu rất nhiều, nhất là những năm tiếp theo số lượng thầy cô nghỉ hưu nhiều. Vậy nên, rất mong Bộ trưởng xem xét và đề xuất mức lương tốt hơn cho đội ngũ nhà giáo trong thời gian ngắn nhất” – cô Nguyễn Thị Duyên nêu ý kiến.
Cần có chính sách đặc thù cho giáo viên mầm non
Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường – công tác tại Trường Mầm non xã Thanh Nưa, một trường thuộc xã biên giới của huyện Điện Biên chia sẻ, theo quy định thời gian làm việc của giáo viên mầm non là 8 giờ/ngày, nhưng trên thực tế chúng tôi thường làm việc ở trường từ 10 - 11 giờ/ngày, từ sáng sớm đến chiều muộn nên chúng tôi không có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. Về công việc thì do thiếu giáo viên nên có những lớp, một cô giáo đang phải một mình nuôi dạy hơn 30 trẻ. Tuy chế độ tiền lương của giáo viên mầm non đã được quan tâm nhưng vẫn còn ở mức thấp chưa tương xứng với thời gian và công sức mà giáo viên đang làm, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.
Cô Mùi Thị Ban - giáo viên mầm non thị trấn Bắc Yên, Sơn La cũng cho rằng: “Hiện, giáo viên lương không đủ sống, muốn làm gì thêm cũng không có thời gian. Tăng lương, ngành nghề nào cũng muốn nhưng do ngân sách Nhà nước có hạn nên còn chưa giải quyết được. Tôi kiến nghị, nên có cơ chế và giãn thời gian giảng dạy trên trường học, để tạo điều kiện cho giáo viên làm thêm tăng thu nhập”. Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền (Hải Phòng) cho rằng, mong mỏi lớn nhất của thầy cô là được Bộ trưởng tháo gỡ về chế độ chính sách như chính sách tiền lương, hưởng lương theo bằng cấp và có cơ chế để giáo viên có thể được làm thêm bằng chính nghề của mình.
Kiến nghị được dạy thêm, vay vốn ưu đãi
Cùng chung suy nghĩ, cô Vì Thu Trang - giáo viên tiểu học trường THCS xã Pà Cò, huyện Mai Châu, Hòa Bình cho biết: “Từ khi đến công tác tại trường tôi phải di chuyển quãng đường dài đến giảng dạy cho các em ở đây. Đường đi lại xa, nên tôi phải ăn ngủ tại trường. Cứ cuối tuần nghỉ dạy về nhà, tôi phải ra chợ mua nhu yếu phẩm lên trường để bảo đảm sinh hoạt trong 6 ngày. Tôi rất yêu nghề dạy học, tuy nhiên lương và trợ cấp chưa cao. Nếu có thể Nhà nước có thể mở cơ chế và cho giáo viên chúng tôi dạy thêm thì cực kỳ tốt. Qua đó, có thể giúp giáo viên chúng tôi có thêm thu nhập”.
Trong khi, cô Nguyễn Thị Hòa - giáo viên Tiếng Anh Trường tiểu học - THCS thành phố Hòa Bình cho hay: “Lương giáo viên hiện nay thấp, nếu chưa có cơ chế tăng lương thì nên tạo điều kiện cho giáo viên dạy thêm. Hiện, có 1 số trung tâm Anh ngữ ở thành phố cần giáo viên có chuyên môn nghiệp vụ giảng dạy cho các con. Nếu có cơ chế thuận lợi, sẽ giúp chúng tôi tăng nguồn thu để ổn định kinh tế gia đình”.
Không chỉ giáo viên bậc mầm non, phổ thông chật vật vì cuộc sống do lương thấp mà ngay cả giảng viên đại học cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tiến sĩ Trần Trọng Đạo - Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Nha Trang nêu ý kiến về thực trạng đời sống, thu nhập của viên chức, người lao động trong cơ sở giáo dục đại học. Theo ông Trần Trọng Đạo, hiện nay, công việc của viên chức, người lao động chịu nhiều áp lực nhưng thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Thực trạng này dẫn đến hệ quả là không ít viên chức, người lao động xin thôi việc, chuyển công tác khác, học ở nước ngoài xong thì không muốn về trường làm việc. Điều lo lắng hơn, không ít viên chức, người lao động dành nhiều thời gian, tâm huyết để làm nhiều việc khác nhau ngoài công việc chính, như bán hàng online, cò bất động sản… Kết quả là, công việc chính thì đem lại thu nhập phụ, việc làm phụ thì đem lại thu nhập chính. Việc chính cần được dành nhiều trí tuệ, tâm huyết thì lại không. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, đào tạo.
Chính vì vậy, tiến sĩ Trần Trọng Đạo đề xuất cần có chính sách tiền lương, bảng lương riêng cho nhà giáo. Đây là việc khó bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn và phải xem xét trong tương quan với các ngành khác. Ngoài ra, có chính sách cho vay vốn với các ưu đãi đặc thù (thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng) cho viên chức, người lao động trong ngành. Nhà nước có thể cho vay để mua đất, xây nhà, đi học với các ưu đãi về lãi suất, thời gian vay (10-20 năm), phương thức trả nợ vay.
Cần nhiều chính sách cho giáo viên
Liên quan đến lương và thu nhập cho giáo viên, tại cuộc gặp gỡ với cán bộ, giảng viên đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, vấn đề thu nhập của cán bộ giảng viên, viên chức, người lao động, cần tính toán để đảm bảo cuộc sống. Thực tế cho thấy, thu nhập của giảng viên chưa thực sự cao do nhiều nguyên nhân. Trong Nghị quyết 29 nêu định hướng, tiến tới giáo viên sẽ có bảng lương riêng cao nhất trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Không tăng tuổi nghỉ hưu với giáo viên
Cô giáo Dương Thị Thanh Hồng - giáo viên lớp 5 tuổi, Trường Mầm non 1, Thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) cho rằng nhiều nhà giáo mong muốn được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi), nhất là giáo viên mầm non. Đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ có chính sách này hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo được nghỉ hưu nhưng không bị thiệt so với chính sách chung.
Cũng liên quan đến thu nhập giáo viên, khi trao đổi với thầy cô bậc mầm non và phổ thông, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã lắng nghe về ý kiến của thầy cô. Bộ trưởng chia sẻ với những vất vả, nặng nhọc của giáo viên mầm non, trong khi chế độ chính sách, thu nhập chưa tương xứng. “Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thấu hiểu điều này” - Bộ trưởng chia sẻ.
Bước đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ…
“Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học” - Bộ trưởng trao đổi. Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên các cấp học, tuy nhiên triển khai trước đối với mầm non, tiểu học; sau đó sẽ lần lượt có các kiến nghị khác.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, ngành Giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị, nhưng cũng cần từng bước, hợp lý.
Qua ý kiến của thầy cô cho thấy nếu chỉ sống dựa vào lương thì rất vất vả, nhưng đi làm việc khác sẽ sao nhãng với công việc giảng dạy. Do đó, để giáo viên yêu nghề, gắn bó với nghề cần chính sách lương hấp dẫn.