Nâng cao thu nhập nhờ phát triển hình thức sản xuất
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Long An quan tâm việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân gắn với tiêu thụ, chế biến nhằm tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp.
Phát huy thế mạnh của từng địa phương
Theo đánh giá của UBND huyện Châu Thành, 10 năm qua, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo đúng định hướng. Huyện hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như vùng sản xuất thanh long 8.739ha, vùng nuôi trồng thủy sản 1.400ha. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra mạnh mẽ, trong đó, nông dân chủ yếu chuyển đổi từ đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương. Giai đoạn 2011-2018, toàn huyện chuyển đổi 7.530ha đất trồng lúa sang trồng thanh long. Bên cạnh đó, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, trên địa bàn huyện Châu Thành hình thành vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.000ha, trong đó có trên 322ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP và hiện có hơn 5.300 hộ nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thanh long. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành - Võ Văn Vấn, từ việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nhiều mô hình trồng thanh long mang lại lợi nhuận trung bình khoảng 500 triệu đồng/ha.
Các xã vùng thượng của huyện Cần Giuộc và Cần Đước cũng hình thành các vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao phù hợp lợi thế của địa phương cũng như định hướng phát triển nông nghiệp chung của tỉnh.
Việc phát huy thế mạnh sản xuất của từng địa phương đã và đang hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười; vùng chuyên canh rau tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc; vùng chanh Bến Lức, Đức Huệ; vùng thanh long Châu Thành; nuôi thủy sản nước lợ vùng hạ; nuôi thủy sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười; chăn nuôi bò tại Đức Hòa, Đức Huệ,... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, người dân có điều kiện đóng góp trong xây dựng NTM.
Xây dựng chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 30/6/2019, toàn tỉnh hiện có 4 liên hiệp hợp tác xã (HTX) với số lượng 22 HTX thành viên. Ngoài ra, có 163 HTX với 3.500 thành viên, số vốn điều lệ lên đến 165 tỉ đồng, quy mô diện tích hoạt động của các HTX gần 6.000ha. Trong đó, đa số các HTX hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực trồng trọt với 128 HTX, chiếm hơn 79%.
Tại huyện Cần Giuộc, tính đến tháng 7/2019, có 27 HTX và 1 liên hiệp HTX, trong đó có 18 HTX rau, 4 HTX nuôi tôm và 5 HTX chăn nuôi. Ngành nghề kinh doanh đa phần là dịch vụ mua bán rau, củ, quả, dưa lưới do các thành viên cung cấp, cung cấp lại vật tư nông nghiệp cho người sản xuất, kế đến là sản xuất, cung cấp giống gia súc, gia cầm, chăn nuôi gà thịt. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc, hiện huyện có 6 HTX được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 2 HTX được cấp sản xuất rau theo chuỗi an toàn. Các HTX còn lại đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. “Việc xây dựng các HTX góp phần giúp sản phẩm nông nghiệp của các xã viên có đầu ra ổn định, được thu mua cao hơn giá bên ngoài từ 10-15%. Từ đó mang lại thu nhập cao cho nông dân và giúp các xã trong huyện hoàn thành tiêu chí thứ 13 trong xây dựng nông thôn mới” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết.
HTX Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) được thành lập từ năm 2006, vốn điều lệ ban đầu chỉ 50 triệu đồng, diện tích sản xuất gần 5ha với 25 thành viên tham gia, đến nay, tăng vốn điều lệ lên 1 tỉ đồng, tăng diện tích lên 15ha với 45 hộ dân tham gia, trong đó có 11ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Tất cả sản phẩm của thành viên HTX đều được bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 500-1.000 đồng/kg. Đầu năm 2019, HTX Rau an toàn Phước Hòa còn đầu tư mở rộng diện tích nhà màng thêm 600m2, nâng tổng số diện tích nhà màng trồng rau thủy canh lên gần 1.500m2, có tổ kỹ thuật theo dõi, quản lý từ khâu chăm sóc đến thu hoạch. Ngoài ra, để tăng hiệu quả hoạt động, HTX Rau an toàn Phước Hòa còn tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, phát triển đa dạng các kênh phân phối từ hiện đại đến truyền thống và bếp ăn tập thể, tập trung vào các thị trường tiềm năng như TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ. Ngoài ra, HTX còn tổ chức 3 cửa hàng bán lẻ trong tỉnh nhằm quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Còn tại huyện Châu Thành - vùng chuyên canh thanh long của tỉnh, qua thời gian xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, đến nay, toàn huyện có 13 HTX nông nghiệp với trên 500 thành viên, chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực thu mua, sơ chế, đóng gói thanh long xuất khẩu và các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp. Hầu hết dịch vụ kinh doanh của HTX đều có lãi với doanh thu bình quân 2,9 tỉ đồng/HTX/năm. Thậm chí, một số HTX có doanh thu từ 6-24 tỉ đồng như HTX Thanh long Tầm Vu, Vạn Thành, HTX Nông nghiệp Thanh Phú Long,... Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành - Võ Văn Vấn, việc phát triển sản xuất và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất giúp thu nhập bình quân của người dân trong huyện nâng lên rõ rệt. Nếu năm 2011, thu nhập bình quân khu vực nông thôn chỉ đạt 22 triệu đồng thì đến nay tăng lên gần 60 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm còn dưới 1%”.
Có thể nói, việc phát triển kinh tế, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, qua đó giúp từng địa phương hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nang-cao-thu-nhap-nho-phat-trien-hinh-thuc-san-xuat-a81581.html