Quảng cáo phải trung thực và văn minh
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm tạo điều kiện để quảng cáo phát triển hơn, đồng thời tăng cường kiểm soát để quảng cáo đúng, trung thực, văn minh, là cầu nối giữa nhà sản xuất, nhà kinh doanh với người tiêu dùng.
Chiều 8-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Thổi phồng, gây hiểu nhầm
Góp ý về Luật Quảng cáo, đại biểu Quốc hội (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TPHCM) chia sẻ, quảng cáo là 1 trong 12 lĩnh vực trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của nước ta. Trong thời gian qua, lĩnh vực quảng cáo đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này nhằm tạo điều kiện để quảng cáo phát triển hơn; đồng thời tăng cường kiểm soát để quảng cáo đúng, trung thực, văn minh và là cầu nối giữa nhà sản xuất, nhà kinh doanh với người tiêu dùng.
Về quảng cáo trên không gian mạng, ĐB Phan Thị Thanh Phương (TPHCM) cũng chỉ ra, trên các nền tảng mạng xã hội có nhiều clip ngắn lồng ghép quảng cáo vào nội dung. Loại hình quảng cáo này có sức lan tỏa rất lớn, đòi hỏi cần phải có sự quản lý tổng thể và áp dụng công nghệ hiện đại để kiểm soát hiệu quả.
Nêu thực tế hiện nay, việc sử dụng một số cá nhân có tầm ảnh hưởng, người nổi tiếng quảng cáo là rất phổ biến. Không chỉ vậy, vẫn còn tình trạng quảng cáo thổi phồng nội dung, trong khi các chế tài xử lý chưa đủ nghiêm khắc dù đã có quy định pháp luật.
ĐB Trần Kim Yến (TPHCM) đặt vấn đề rằng sản phẩm được quảng cáo có thực sự đạt chất lượng và hiệu quả như đã giới thiệu hay không, hay chỉ là sự thổi phồng gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
ĐB Trần Kim Yến cho rằng việc yêu cầu người quảng cáo phải thực sự sử dụng sản phẩm là cần thiết để đảm bảo tính chân thực. Tuy nhiên, việc thực hiện điều này trong thực tế lại gặp nhiều khó khăn do tính khả thi không cao, bởi không thể sử dụng sản phẩm một vài lần trong thời gian ngắn mà có kết quả ngay được.
Đồng tình ý kiến này, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, việc yêu cầu người nổi tiếng phải sử dụng sản phẩm trước khi quảng cáo có thể không khả thi và khó kiểm chứng.
Trong ngành quảng cáo quốc tế, việc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng là phổ biến và không có quy định bắt buộc họ phải sử dụng sản phẩm trước đó. Tuy nhiên, cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của họ trong việc đảm bảo thông tin quảng cáo trung thực, không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Hiện nay, việc quản lý quảng cáo trên mạng xã hội, trang web không đăng ký và các kênh truyền thông không chính thống gặp nhiều khó khăn. Các quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm vẫn tiếp tục xuất hiện mà không bị xử lý kịp thời.
Kiểm soát quảng cáo loa phóng thanh
Liên quan đến quảng cáo bằng loa phóng thanh và các hình thức tương tự, ĐB Hà Phước Thắng (TPHCM) cho rằng, việc sử dụng loa phóng thanh, loa kẹo kéo để quảng cáo quá giờ, không đúng nơi quy định gây ra nhiều hệ lụy về an ninh trật tự, ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do đó, ĐB đề nghị xem xét quy định về khung giờ và quy định độ ồn được phép khi quảng cáo bằng loa.
Bên cạnh đó, ĐB cũng đề nghị có quy định phân định rõ, tách biệt giữa bảng quảng cáo và bảng hiệu của tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, việc này tránh tình trạng lồng ghép quảng cáo vào trong các bảng hiệu, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Về quảng cáo trên phương tiện giao thông, ĐB Hà Phước Thắng (TPHCM) cho rằng, hiện có quy định quảng cáo chiếm không quá 50% diện tích hai mặt bên hông và phía sau các loại xe buýt, taxi...
Do đó thời gian tới cần nghiên cứu bổ sung quy định về quảng cáo trên các phương tiện giao thông khác như tàu hỏa, máy bay nhằm tận dụng tối đa không gian quảng cáo nhưng vẫn đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn giao thông.
Liên quan đến quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nhấn mạnh, cần có sự đồng bộ giữa Luật Quảng cáo và các luật liên quan, đặc biệt là Luật Dược. Trên thực tế, đã có nhiều vi phạm trong lĩnh vực này, do đó chiến lược xây dựng luật phải hướng đến việc siết chặt các quy định liên quan đến quảng cáo.
Hiện tại, để quảng cáo một loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ lên Bộ Y tế để xét duyệt nội dung, đảm bảo không vi phạm các quy định về quảng cáo như không được so sánh sản phẩm của mình là "tốt nhất" hay gây hiểu lầm giữa thuốc và thực phẩm chức năng. Quy trình này giúp các cơ quan báo chí và truyền thông có cơ sở để kiểm tra và từ chối các quảng cáo không phù hợp.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Dược sửa đổi, có đề xuất bỏ quy định về việc Bộ Y tế duyệt nội dung quảng cáo. Điều này có thể làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đi ngược lại với mục tiêu siết chặt quảng cáo để bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị, cần xem xét lại đề xuất này để đảm bảo sự đồng bộ trong quản lý và tránh tạo ra kẽ hở pháp lý.
Góp ý về giải pháp, ĐB Phan Thị Thanh Phương (TPHCM) cho rằng để bảo vệ người tiêu dùng, cần quy định rõ trách nhiệm chủ thể trong hoạt động quảng cáo.
Đồng thời, cần phải minh bạch hơn trong quản lý quảng cáo, đặc biệt là trên các phương tiện báo chí cần phân định rõ ràng giữa tin bài mang nội dung quảng cáo và tin bài thuần túy, điều này giúp độc giả nhận biết và phân biệt rõ ràng hơn.
Bên cạnh đó, cần điều chỉnh và bổ sung các nghị định dưới luật, tăng cường biện pháp xử lý làm gương nhằm nâng cao tính răn đe và hiệu quả thực thi.
ĐB Trần Hoàng Ngân và ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) cùng cho rằng cần có quy định xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần khuyến khích quảng cáo một cách văn minh, chứa yếu tố nghệ thuật, mang tính giáo dục.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quang-cao-phai-trung-thuc-va-van-minh-post767437.html