Nâng cao thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật

Tận dụng lợi thế tự nhiên, nghề nuôi ong lấy mật của người dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua phát triển mạnh. Đây là nghề không chỉ giúp nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên.

Tận dụng lợi thế tự nhiên, nghề nuôi ong lấy mật của người dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua phát triển mạnh. Đây là nghề không chỉ giúp nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên.

Mô hình nuôi ong lấy mật của ông Vũ Hồng Chương (phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình) cho hiệu quả kinh tế khá.

Mô hình nuôi ong lấy mật của ông Vũ Hồng Chương (phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình) cho hiệu quả kinh tế khá.

Là công nhân Nhà máy thủy điện Hòa Bình về nghỉ hưu, ông Vũ Hồng Chương (phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình) nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật có hiệu quả kinh tế cao, ông đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi ong cách đây hơn 10 năm. Tận dụng diện tích đất đai, vườn cây của gia đình, học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người làm nghề nuôi ong và tìm hiểu kỹ thuật trên internet, sách báo, đồng thời áp dụng tốt vào thực tiễn, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, vì vậy mô hình nuôi ong của ông dần phát triển ổn định. Hiện gia đình ông nuôi hơn 100 đàn ong, những năm được mùa cho thu từ 700 đến gần 1.000 lít mật/năm, giá bán từ 100.000 - 120.000 đồng/lít. Không chỉ mật ong mà các sản phẩm của ong đều có thể cho thu nhập như sáp ong, sữa ong chúa, phấn hoa nhờ giá trị dinh dưỡng và có tác dụng chữa bệnh tốt. Sau khi trừ các loại chi phí đã cho gia đình ông thu nhập hơn trăm triệu đồng mỗi năm.

"Tuy nuôi ong mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đây cũng là nghề khá vất vả, đòi hỏi sự chăm chỉ, chịu khó. Người nuôi cần phải am hiểu về đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn và các loài hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật. Tôi thường xuyên kiểm tra, vệ sinh thùng ong để đảm bảo "nhà” của chúng luôn khô ráo, sạch sẽ, phòng tránh các loại bệnh. Trong quá trình kiểm tra đàn ong phải hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận. Đối với từng thời điểm cần có biện pháp chống rét, chống nóng thích hợp cho đàn ong. Bên cạnh đó, việc phòng, chống bệnh cho ong cần được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, để ong cho mật nhiều, chất lượng tốt, ngoài nuôi tại vườn nhà tôi còn di chuyển đàn ong đến nhiều địa điểm khác nhau, những nơi phong phú về nguồn hoa như ở huyện Kim Bôi hay Đà Bắc để ong hút mật”, ông Chương chia sẻ.

Bên cạnh giá trị kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật còn mang lại hiệu quả về môi trường sinh thái. Việc nuôi ong giúp thụ phấn cho cây trồng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ tính đa dạng sinh học của môi trường tự nhiên. Mùa thu hoạch mật ong diễn ra từ đầu tháng 2 đến tháng 7 âm lịch. Đây là khoảng thời gian có nhiều loại hoa nở, nhất là hoa vải, nhãn và cũng là lúc đàn ong đi hút nhụy nhiều nên lượng mật ong dồi dào nhất trong năm.

"Ong rất nhạy cảm với điều kiện môi trường, đặc biệt là khói bụi và các hóa chất. Khi mới bắt đầu làm, do chưa có kinh nghiệm nên tôi gặp những thất bại như: ong bị bệnh thối ấu trùng, chết, bỏ đàn... Vì ong là loài sống trong một quần thể lớn, bay rất nhiều nơi để kiếm phấn hoa nên khả năng nhiễm và lây lan bệnh cao. Vì vậy tôi rất ý thức trong việc thu gom và xử lý rác thải, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất nông nghiệp”, ông Chương cho hay.

Mặc dù tuổi đã cao, song với đức tính chăm chỉ, cần cù, ông Chương vẫn tích cực lao động sản xuất và nhiệt tình, hăng hái tham gia các hoạt động tại địa phương. Sản phẩm mật ong của gia đình ông được khách hàng ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông luôn nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ các hộ khác cùng phát triển kinh tế như: cung cấp con giống, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong giúp bà con phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo.

Hoàng Dương

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/198678/nang-cao-thu-nhap-tu-nghe-nuoi-111ng-lay-mat.htm