Nâng cao tiêu chí thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân
Bộ tiêu chí xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 đặt ra yêu cầu không quá cao đối với tiêu chí thu nhập. Qua rà soát, thời điểm này, hầu hết các xã đã đạt chuẩn tiêu chí này theo quy định của xã NTM, NTM nâng cao. Tuy nhiên, với quan điểm 'Mục tiêu sau cùng của chương trình xây dựng NTM là không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân', các xã trên địa bàn tỉnh vẫn đang nỗ lực triển khai đồng bộ giải pháp để nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập.
Những năm qua, Hà Nam luôn là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá trên cả nước. Các huyện, thị xã, thành phố quan tâm phát triển đồng đều các lĩnh vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ - thương mại, nông nghiệp. Theo đó, nhiều chỉ tiêu về kinh tế hằng năm luôn đạt và vượt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả kiểm tra việc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh mới đây cho thấy, 100% các xã trong tỉnh hiện đều đạt chuẩn tiêu chí thu nhập theo quy định xã NTM; 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí thu nhập theo quy định xã NTM nâng cao. Thời điểm này, các xã xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2024 đều đã hoàn thành đạt chuẩn tiêu chí thu nhập. Thậm chí, các xã đều hoàn thành vượt chuẩn so với yêu cầu của tiêu chí. Như vậy, mặc dù được đánh giá là tiêu chí khó nhưng đây lại là một trong những tiêu chí được các xã tập trung thực hiện và hoàn thành sớm nhất. Bởi các xã đều xác định rõ, thu nhập của người dân là mục tiêu sau cùng, đồng thời còn là “đòn bẩy” để thực hiện các tiêu chí còn lại.
Theo ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để có được những kết quả tích cực trong thực hiện tiêu chí thu nhập, trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số; phát triển mạnh các ngành nghề nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động. Các cấp, ngành cũng đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương, điển hình như Đề án Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025; Đề án Phát triển dịch vụ mạ khay, máy cấy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2023; Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động các Hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa; mô hình cánh đồng mẫu; mô hình phát triển rau, củ quả sạch liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; mô hình nuôi dê sinh sản, dê thịt, bò sữa, bò thịt; mô hình nuôi cá sông trong ao…
Đơn cử như tại xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý), để đạt mục tiêu về đích NTM kiểu mẫu năm 2024, ngay từ đầu năm, xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện với nhiệm vụ trọng tâm là cải thiện, nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân. Để đạt mục tiêu đến hết năm 2024, thu nhập của người dân đạt 79,5 triệu đồng/người, xã Đinh Xá đặc biệt quan tâm chỉ đạo giải quyết việc làm cho người lao động. Trên cơ sở rà soát số người trong độ tuổi lao động không có việc làm, hằng năm, UBND xã chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức hội nghị tuyên truyền về chính sách đào tạo lao động và giải quyết việc làm cho người lao động; triển khai các lớp đào tạo, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn như trồng lúa, trồng cây ăn quả, chăn nuôi; phối hợp với các doanh nghiệp tuyển dụng, đào tạo nghề may, hàn xì, mộc… cho người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã còn tập trung chỉ đạo, tìm bước đi mới cho ngành sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ. Cụ thể là tích cực chuyển đổi cây trồng vụ đông trên đất hai lúa, đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm; duy trì và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống; khuyến khích tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn phát triển; hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng để phát triển kinh tế hộ…
Làm rõ hơn về kết quả đạt được, ông Vũ Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Đinh Xá cho biết: Đến nay, 100% khâu làm đất, gặt, vận chuyển lúa trên địa bàn xã đã được cơ giới hóa. Hằng năm, xã duy trì phong trào trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa với diện tích trên 60 ha, gồm các giống cây trồng chủ lực là ngô, dưa chuột, rau màu các loại. Toàn xã hiện có khoảng 40 máy làm bún, bình quân 1 ngày, xã tiêu thụ từ 3-5 tạ bún, tạo việc làm cho trên 100 hộ dân. Đến nay, 100% số người trong độ tuổi lao động của xã đều có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định.
Cũng như xã Đinh Xá, các xã trên địa bàn tỉnh đều ưu tiên, chú trọng hoàn thành sớm và đặt mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong đó, giải pháp chủ yếu là đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nhằm tăng năng suất, cải thiện thu nhập cho người dân; xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng; thực hiện chuyển đổi hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển, nhất là các ngành có thế mạnh như sản xuất, chế biến thực phẩm, mộc, cơ khí, may mặc, kinh doanh tạp hóa; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm làng nghề, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.
Để đạt mục tiêu, năm 2024, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt từ 62 triệu đồng, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng khuyến khích, hỗ trợ nông dân và các chủ trang trại thành lập hợp tác xã kiểu mới; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã và hộ sản xuất hình thành các liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với truy xuất nguồn gốc; triển khai toàn diện Chương trình mỗi xã một sản phẩm để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của các địa phương trong tỉnh…