Nâng cao tính chủ động, gắn kết cộng đồng, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn
Sáng 26-5, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức sơ kết giữa kỳ Dự án ' Quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng để tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro biến đổi khí hậu ở tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam ' do tổ chức Bánh Mỳ cho Thế giới tài trợ.
Các đại biểu tham dự tại hội nghị.
Dự án được triển khai từ tháng 9-2021 đến tháng 10-2024, tại các xã: Đa Lộc (Hậu Lộc); Nga Thủy, Nga Tân (Nga Sơn) do Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn quản lý tài nguyên và Thích ứng biến đổi khí hậu (CORENACCA) thuộc Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa làm chủ dự án, với tổng số vốn là 9 tỷ 880 triệu đồng.
Qua 1 năm triển khai thực hiện, dự án đã xây dựng được 1 vườn ươm sản xuất cây giống rừng ngập mặn tại xã Nga Thủy với 26.000 cây trang giống, phục vụ trồng rừng ngập mặn, tỉ lệ sống đạt trên 95%; trồng và chăm sóc 30ha/80ha cây trang và cây bần chua ở xã Đa Lộc (Hậu Lộc) và xã Nga Thủy (Nga Sơn); thực hiện thí điểm đo lường hấp thụ các bon của 575 ha rừng ngập mặn tại 3 xã Nga Tân, Nga Thủy và Đa Lộc. Về hỗ trợ sinh kế, dự án hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật, tính đến tháng 5-2023, tổng đàn ong của 200 hộ là 496 đàn (tăng 96 đàn so với tổng đàn ong giống được cấp), sản lượng mật thu hoạch đạt 2.976kg, doanh thu đạt 744 triệu đồng. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi vịt biển; hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cói và rau không sử dụng phân hóa học...
Dự án được triển khai theo đúng kế hoạch phê duyệt, qua đó, nâng cao tính chủ động, tính gắn kết của cộng đồng trong việc cùng chính quyền địa phương tổ chức bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, phát triển các mô hình sinh kế, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế ở địa phương. Đồng thời áp dụng phương thức sản xuất có tác động tích cực đến môi trường và sức khỏe của cộng đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được; nêu lên những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện. Đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát, nhân rộng các mô hình thành công của dự án; thành lập câu lạc bộ hoặc tổ hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng tính cộng đồng. Mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn từ tháng 6-2023 đến tháng 10-2024, tổ chức chăm sóc 26.000 cây giống rừng ngập mặn, đảm bảo đủ tiêu chuẩn phục vụ trồng 50 ha và chăm sóc 80 rừng ngập mặn; tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho 300 hộ tham gia mô hình sinh kế; thúc đẩy thành lập 1 tổ hợp tác sản xuất cây giống rừng ngập mặn...