Nâng cao tính trung thực và trách nhiệm của người làm công tác giám định pháp y

Kết quả giám định pháp y và pháp y tâm thần là nguồn chứng cứ quan trọng trong việc làm sáng tỏ nội dung vụ án. Kết quả này ảnh hưởng không nhỏ đến số phận pháp lý của bị can, bị cáo, bị hại và là căn cứ pháp lý để thực thi chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với mỗi cá nhân, vụ việc liên quan. Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng xảy ra nhiều vụ án liên quan đến việc làm sai lệch kết quả giám định pháp y và pháp y tâm thần, nếu không bị phát hiện thì sẽ dẫn đến thay đổi bản chất của vụ án, bỏ lọt hoặc tăng nặng tình tiết phạm tội.

Ngày 14/7/2021, tại huyện Hướng Hóa xảy ra vụ “Cố gây thương tích” khiến hai bị hại trong vụ án này bị thương. Kết quả giám định thương tật ban đầu cho thấy anh D. (một trong hai bị hại) gãy 6 xương sườn, tỉ lệ tổn thương cơ thể là 15%. Với tỉ lệ này, theo quy định của pháp luật, cơ quan công an phải ra quyết định khởi tố vụ án. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ việc, một số cán bộ liên quan đã cố tình cho giám định thương tích lần hai, đưa tỉ lệ này từ 15% xuống còn 9% nhằm không truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng phạm tội.

Ban đầu, 2 bị can nguyên là giám định viên, lãnh đạo Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị bị truy tố về tội “Giả mạo giấy tờ công tác”. Tuy nhiên, sau đó, cơ quan điều tra đã ra quyết định thay đổi tội danh của bị can N. Đ. C. (nguyên giám đốc trung tâm) từ “Giả mạo giấy tờ công tác” sang tội “Nhận hối lộ”.

Cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi C. nhận 10 triệu đồng của người nhà các bị cáo trong vụ “Cố ý gây thương tích” để chỉ đạo cấp dưới là T. giám định lại, nhằm thay đổi kết quả so với lần đầu. Tháng 2/2024, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã truy tố 3 bị can trong vụ án này và Tòa án nhân dân tỉnh sẽ đưa vụ án ra xét xử trong tháng 8.

Mới đây, vào tháng 6/2024, dư luận bàng hoàng khi hàng loạt cán bộ, nhân viên Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa bị bắt. Những người này bị cáo buộc đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ để tạo dựng hồ sơ bệnh án tâm thần, kết luận giám định tâm thần sai thực tế cho đối tượng phạm tội hoặc bị kết án tù nhằm đối phó với cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Đây là vấn đề đáng báo động, khi những người làm công tác giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần lại không trung thực, bóp méo sự thật để tạo ra kết quả theo ý muốn của họ. Việc kết luận giám định trong lĩnh vực này chỉ cần “sai một ly” sẽ “đi một dặm”, dẫn đến làm oan sai, bỏ lọt tội phạm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do những người được giao nhiệm vụ giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần hám lợi, bị sức cám dỗ của đồng tiền làm mờ mắt, từ đó không chấp hành các quy định của pháp luật, không làm tròn trách nhiệm được giao.

Trong các vụ việc trên, người đứng đầu lại chính là người đã chỉ đạo cấp dưới làm sai. Vụ hạ tỉ lệ thương tật từ 15% xuống còn 9% như đã nói ở trên là một ví dụ. Trên cương vị giám đốc, bị can C. nhận thức rõ việc kết luận lại tỉ lệ thương tích của bị hại là trái pháp luật, giúp các đối tượng phạm tội không bị xử lý hình sự nhưng vì động cơ vụ lợi nên vẫn thực hiện. Trong vụ án này, chính T. đã phát hiện ra việc giám định lần hai là sai quy định nhưng cuối cùng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, dẫn đến bị truy tố về tội “Giả mạo giấy tờ công tác”.

Còn ở Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, trong số 15 người bị C02 Bộ Công an bắt giữ và triệu tập phục vụ điều tra có viện trưởng, viện phó và một số trưởng, phó các khoa chuyên môn. Đây được coi là trường hợp hy hữu trong lịch sử ngành y tế Việt Nam vì sau đó, đơn vị này không còn cán bộ để làm việc, phải “cầu cứu” Bộ Y tế để có phương án ổn định nhân lực công tác.

Để công tác giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần được triển khai chặt chẽ, đúng quy định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của cơ quan tố tụng thì vai trò của người giám định rất quan trọng. Theo đó, giám định viên phải bảo đảm tính khách quan, trung thực, chính xác, đúng quy trình và quy định pháp luật.

Trước những bê bối liên quan đến việc giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần được phát hiện thời gian gần đây, cơ quan chức năng cần phải chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ những người làm công tác này, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu, theo báo cáo của Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng, chỉ tính riêng trong năm 2023, có 55 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong đó, có 13 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.

Tinh thần trách nhiệm được hiểu là thái độ, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào, bên cạnh năng lực chuyên môn, tính trung thực, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên đều được đặt lên hàng đầu, không riêng gì lĩnh vực giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

Do đó, cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Xác định đây không chỉ là phẩm chất cần có mà còn là yêu cầu không thể thiếu đối với cán bộ, đảng viên, đòi hỏi mỗi người phải có ý thức phấn đấu, tự giác, quyết tâm hoàn thành mọi chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, với vai trò quản lý, điều hành, dẫn dắt tập thể, tính nêu gương, trách nhiệm phải luôn được đề cao. Để thực hiện tốt việc nêu gương của người đứng đầu, quan trọng nhất vẫn là sự tự ý thức, phát huy trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đồng thời người đứng đầu phải luôn tự kiểm điểm bản thân, soi chiếu vào các quy định của Đảng, Nhà nước làm cơ sở điều hành công việc cũng như ban hành các quy định đúng đắn để dẫn dắt tập thể ngày một đi lên.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nang-cao-tinh-trung-thuc-va-trach-nhiem-cua-nguoi-lam-cong-tac-giam-dinh-phap-y-187301.htm