Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong thực hiện giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên

Thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ- CP, ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững; Quyết định 1794/QĐ-UBND, ngày 26/10/218 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Bắc Kạn, huyện Pác Nặm đã thực hiện giao khoán rừng đến các hộ dân trên địa bàn, qua đó đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Tổ Quản lý bảo vệ rừng thôn Phja Bay xã Cổ Linh và lực lượng Kiểm lâm, Công an xã tuần tra rừng.

Ban Quản lý Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên cho cộng đồng ở các xã và tổ chức giao khoán đến từng hộ dân. Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020, diện tích giao khoán rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Pác Nặm gần 5.000ha, tại 10 xã với 59 thôn, 191 hộ và nhóm hộ tham gia. Trong đó, khoán bảo vệ rừng là hơn 3.925ha; hỗ trợ bảo vệ rừng hơn 1.050ha với 113 khoảnh, 894 lô.

Toàn bộ số diện tích khoán khoanh nuôi, bảo vệ được các hộ nhận khoán thực hiện tương đối tốt theo hợp đồng đã ký kết, mức giao khoán là 400.000 đồng/ha. Riêng đối với cộng đồng thôn được giao khoán từ những diện tích có rừng tự nhiên chưa giao, hiện nay do UBND xã quản lý đã được các địa phương thành lập các tổ, đội tuần tra thường xuyên. Đối với diện tích rừng trồng từ năm 2016 - 2019 đã được nghiệm thu 100% và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Trưởng thôn Giàng Văn Páo, kiêm Tổ trưởng Tổ Quản lý bảo vệ rừng thôn Phja Bay, xã Cổ Linh cho biết: Từ khi được giao khoán quản lý 69,2ha rừng tự nhiên, thôn đã thành lập 04 tổ tuần tra và thường xuyên tuần tra. Qua theo dõi, trên địa bàn không có trường hợp nào vi phạm. Với số tiền của Nhà nước hỗ trợ thôn mua sắm các thiết bị, đồ dùng phục vụ bà con. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt các quy định và tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng.

Thông qua các chính sách về bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là nguồn tiền chi trả cho công tác bảo vệ rừng, các chủ rừng tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng. Mặt khác, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng nhiều hộ dân đã tự bỏ vốn trồng rừng với diện tích trên 49ha tại các xã Xuân La, Bằng Thành, Bộc Bố, Cao Tân…

Với mục tiêu bảo vệ rừng bền vững, nâng cao ý thức cho người dân trong công tác bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu và triển khai việc giao khoán rừng cho người dân, góp phần ngăn chặn các hành vi khai thác lâm sản trái phép trên đất rừng tự nhiên. Thực tế hiện nay, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện rộng, địa hình bị chia cắt, đặc biệt là hệ thống đường giao thông vào các thôn, bản vùng sâu chủ yếu là đường mòn, nhỏ hẹp nên việc tổ chức ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định bảo vệ và phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số người còn phát phá rừng tự nhiên để trồng rừng sản xuất dẫn đến vi phạm pháp luật

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Kiểm lâm huyện phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tổ chức 15 lượt tuần tra, kiểm tra thường xuyên công tác quản lý bảo vệ rừng, chế biến thương mại lâm sản, gây nuôi động vật, thực vật rừng. Cụ thể, đã lập biên bản xử lý 15 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp gồm: 11 vụ phá rừng trái pháp luật, diện tích rừng bị thiệt hại hơn 1ha, thu giữ gần 20m3 gỗ và các dụng cụ dùng để khai thác, 02 vụ tàng trữ lâm sản trái pháp luật, 02 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Tổng số tiền phạt và bán đấu giá tang vật tịch thu hơn 202 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND các xã xử lý 03 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp theo quy định; tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát việc khai thác lâm sản trên địa bàn. Lực lượng Kiểm lâm huyện đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện, xã tổ chức triển khai, thực hiện được 40 cuộc tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và các văn bản có liên quan cho 1.195 lượt người tham gia.

Đồng chí Lê Xuân Diệu- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Pác Nặm cho biết: Thực hiện các chính sách giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn, chúng tôi đã chủ động tham mưu cho huyện và triển khai đến người dân. Thông qua các chính sách này, người dân trực tiếp tham gia vào công tác bảo vệ rừng, tạo sinh kế và được hỗ trợ tiền công. Đối với cộng đồng thôn, bản có đại diện và thành lập các Tổ tuần rừng thường xuyên, do vậy diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn được quản lý tốt. Tuy nhiên, một số diện tích rừng không nằm trong diện giao khoán, bảo vệ thuộc đối tượng tái sinh nghèo kiệt và đã được thiết kế, không có trữ lượng nhưng do nhu cầu phát triển kinh tế nên người dân vẫn phát phá trên diện tích này.

Việc giao khoán quản lý và phát triển rừng, gắn trách nhiệm của cộng đồng và người nhận giao khoán được thực hiện hợp lý, rõ ràng đã tạo động lực cho người dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ diện tích rừng hiện có. Các cấp chính quyền, ngành chức năng huyện Pác Nặm cần quan tâm, bố trí kịp thời các nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác giao khoán bảo vệ rừng hằng năm, để cộng đồng thôn, bản, người dân ổn định đời sống, góp phần trong công tác giảm nghèo bền vững, đồng thời nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương./.

Nguyễn Nghĩa

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202107/nang-cao-trach-nhiem-cua-cong-dong-trong-thuc-hien-giao-khoan-bao-ve-rung-tunhien-b246cb7/