Nâng cao trách nhiệm đội ngũ làm công tác hội thẩm nhân dân

Nhìn lại nhiệm kỳ qua, TAND tỉnh đã vượt qua những khó khăn, thử thách và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong sự thành công đó, luôn có sự hiện diện và đóng góp không nhỏ của đội ngũ làm công tác hội thẩm nhân dân. Bởi đây là đội ngũ trực tiếp tham gia vào quá trình tố tụng tại phiên tòa và là đại diện của nhân dân tham gia vào công tác xét xử nhằm góp phần đảm bảo tính công bằng, khách quan của pháp luật.

Cùng với thẩm phán, thư ký tòa án, khi được phân công tham gia xét xử thì hội thẩm được xác định là một trong những người tiến hành tố tụng tại tòa án. Hội thẩm nhân dân có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa; tham gia xét xử vụ án theo thủ tục; tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của hội đồng xét xử. Hội thẩm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình. Theo quy định, tại các phiên tòa sơ thẩm, thành phần hội đồng xét xử gồm 1 thẩm phán, 2 hội thẩm nhân dân; những vụ án có tính chất phức tạp, nghiêm trọng, hội thẩm nhân dân chiếm 3/5 thành viên của hội đồng xét xử. Phải nói, hội thẩm nhân dân có một địa vị pháp lý và vai trò quan trọng trong công tác xét xử. Quá trình tham gia phiên tòa, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán, có tư cách pháp lý độc lập, không phụ thuộc vào thẩm phán, có quan điểm rõ ràng.

Những kết quả đạt được của TAND tỉnh có sự đóng góp lớn của công tác hội thẩm nhân dân. Ảnh: C.H

Những kết quả đạt được của TAND tỉnh có sự đóng góp lớn của công tác hội thẩm nhân dân. Ảnh: C.H

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Đoàn hội thẩm TAND tỉnh có 29 hội thẩm nhân dân và đã tham gia xét xử 1.505 vụ án các loại. Riêng năm 2020, hội thẩm TAND tỉnh đã giải quyết được 338 vụ án và được xét xử đạt yêu cầu, các bản án được hội đồng xét xử tuyên đúng pháp luật, khách quan, dân chủ, thấu tình đạt lý, có tính thuyết phục cao. Trong thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ hội thẩm TAND tỉnh luôn nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, trách nhiệm và không ngừng rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cũng như kỹ năng nghề nghiệp khi tham gia xét xử.

Đáng ghi nhận, giữa tòa án và đoàn hội thẩm có quy chế phối hợp ngày càng chặt chẽ. Còn những đơn vị có hội thẩm nhân dân đang công tác đa phần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hội thẩm tham gia xét xử. Từng hội thẩm đã tích cực tham gia xét xử theo lịch của tòa án; trước khi tham gia, nhiều vị hội thẩm dành nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, có trao đổi với thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Khi xét xử, các vị hội thẩm đã nêu cao vai trò, trách nhiệm cùng thẩm phán là chủ tọa phiên tòa tiến hành các hoạt động tố tụng đúng quy định; đảm bảo nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nhờ vậy, năm qua không có vụ nào bị hoãn phiên tòa, vì vắng hội thẩm và chất lượng công tác xét xử ngày một nâng cao, hạn chế được tình trạng án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan. Như vậy, chính hội thẩm nhân dân đã tôn vinh thêm vị trí, vai trò và uy tín của tòa án, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Để nâng cao chất lượng công tác hội thẩm, TAND tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ và cung cấp cho hội thẩm những tài liệu, văn bản pháp luật cần thiết để tham gia công tác xét xử. Đồng thời, thực hiện đầy đủ chức năng quản lý, hỗ trợ, chế độ, khen thưởng cho hội thẩm và đoàn hội thẩm. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thực tế, công tác hội thẩm nhân dân vẫn còn những hạn chế nhất định. Bởi hội thẩm nhân dân còn mang tính kiêm nhiệm và đa số là lãnh đạo các cơ quan, ban ngành tỉnh nên công việc khá nhiều, ít thời gian tham gia xét xử. Từ đó, dẫn đến việc các hội thẩm nhân dân tham gia xét xử không đều (có hội thẩm tham gia xét xử rất ít, hội thẩm tham gia nhiều) và do đặc thù kiêm nhiệm, chủ yếu tập trung vào công việc chuyên môn, không có nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu tham gia xét xử. Thậm chí, một số hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử khá “mờ nhạt”, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình…

Ông Trương Văn Lai - Trưởng đoàn Hội thẩm TAND tỉnh cho biết, để khắc phục những hạn chế thời gian qua, hội thẩm nhân dân sẽ chủ động hơn khi tham gia xét xử theo lịch của tòa án và tích cực nghiên cứu hồ sơ trước khi mở phiên tòa, chủ động xét hỏi làm rõ nội dung vụ án tại phiên tòa. Đồng thời, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ, hội thảo, chuyên đề, phiên tòa rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao kỹ năng xét xử. Đoàn hội thẩm nhân dân sẽ phối hợp chặt chẽ với TAND tỉnh để tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá công tác đúng quy định và đảm bảo chế độ, chính sách, khen thưởng cho các hội thẩm tích cực tham gia xét xử. Ngoài ra, sẽ kiến nghị với thủ trưởng các đơn vị có hội thẩm nhân dân tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho hội thẩm tham gia xét xử.

Trong hoạt động xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân là những chức danh vô cùng quan trọng. Hy vọng người đại diện cho nhân dân của tỉnh trong hoạt động tố tụng không những hội tụ các tiêu chuẩn bắt buộc về chuyên môn nghiệp vụ, tư cách đạo đức, lối sống mà còn cần cả sự nhiệt huyết với nghề. Đặc biệt, họ sẽ phát huy hết được vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình để đảm bảo sự công bằng, khách quan, đúng pháp luật trong từng bản án.

C.H

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/nang-cao-trach-nhiem-doi-ngu-lam-cong-tac-hoi-tham-nhan-dan-45703.html