Nâng cao trách nhiệm khi đưa đón học sinh bằng ô tô

Vụ học sinh lớp 1 của Trường quốc tế Gateway (Hà Nội) tử vong trên ô tô đưa đón của trường vào ngày 6/8 vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, thì mới đây lại xảy ra việc cháu bé 3 tuổi ở tỉnh Bắc Ninh bị bỏ quên trên xe đưa đón của một cơ sở giữ trẻ tư nhân, khiến sức khỏe suy kiệt, phải cấp cứu tại bệnh viện.

Ngày 16/9, theo nguồn tin từ Công an tỉnh Bắc Ninh, cháu bé bị bỏ quên suốt 7 tiếng đồng hồ trên ô tô. Lúc đưa học sinh vào lớp, chủ cơ sở nghĩ các cháu đã xuống hết và đóng cửa xe nên mới xảy ra sự việc này. Khi phát hiện, cháu bé được đưa đến Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Bắc Ninh cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung Ương. Cơ quan công an đã tạm giữ phương tiện và triệu tập những người liên quan để làm rõ; chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành chức năng tập trung xử lý vụ việc.

Những vụ việc nêu trên đã khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng về sự an toàn của con em mình mỗi khi bước lên ô tô đến trường - dù rằng đây là những sự cố không ai mong muốn. Nhiều phụ huynh cho rằng việc để quên một học sinh trên xe là điều không thể chấp nhận được, vì số lượng các em trên xe không nhiều, quy trình đưa và đón rõ ràng mà tại sao lại quên được! Trách nhiệm đầu tiên thuộc về người phụ trách học sinh đó.

Tại Phú Yên, hiện có nhiều cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến trung học áp dụng hình thức đưa đón học sinh bằng ô tô, trong đó nhiều nhất là tại TP Tuy Hòa. Một số cơ sở giáo dục không chỉ đưa đón học sinh trên địa bàn mình đứng chân, mà còn cho xe tỏa ra các huyện lân cận để đưa đón nhằm thu hút nhiều trẻ đến học tại cơ sở của mình.

Dù rằng, Bộ GD-ĐT và chính quyền địa phương đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng và các quy định của pháp luật về an toàn giao thông cho giáo viên, học sinh; lưu ý các quy định về an toàn khi ngồi trên ô tô, kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm khi không có người trợ giúp. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, bộ này đang phối hợp với Bộ GT-VT, Công an và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nghiên cứu hướng dẫn, khuyến khích áp dụng một số quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến đảm bảo an toàn, dấu hiệu nhận biết, các vị trí biển báo bến đón trả học sinh đối với dịch vụ hoạt động đưa đón học sinh, đáp ứng yêu cầu an toàn tuyệt đối cho học sinh. Thế nhưng, khi liên tiếp không khỏi xảy ra những vụ bỏ quên học sinh trên ô tô thì nhiều phụ huynh vẫn cảm thấy lo lắng về sự an nguy của con em mình.

Để không thêm vụ việc tương tự, cần lắm lương tâm và trách nhiệm của mỗi chủ cơ sở giáo dục, mỗi cô giáo phụ trách học sinh, mỗi bác tài trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong đó, chủ các cơ sở giáo dục cần lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định; phân công giáo viên hoặc nhân viên có kinh nghiệm đã qua bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông tham gia đưa đón học sinh bằng ô tô; chịu trách nhiệm quản lý kiểm tra danh sách học sinh, bảo đảm trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định, kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe; bàn giao học sinh cho giáo viên chủ nhiệm lớp. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm phối hợp quản lý học sinh, thông báo kịp thời cho gia đình khi học sinh vắng mặt chưa rõ lý do...

Xã hội sẽ không phải chứng kiến thêm những vụ việc đau lòng như trên, khi mọi người cùng nêu cao tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp.

NGUYỄN QUANG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/229067/nang-cao-trach-nhiem-khi-dua-don-hoc-sinh-bang-o-to.html