Nâng cao trách nhiệm phòng, chống bạo lực trong học sinh

Có một vấn đề đã đề cập rất nhiều, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn, đó là vấn nạn bạo lực trong học sinh.

Mới nhất, trên địa bàn huyện Nông Cống xảy ra vụ đánh nhau liên quan đến nhiều học sinh thuộc Trường THPT Nông Cống 2 và Trường THPT Nông Cống, khiến một học sinh phải điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội); hai học sinh khác điều trị tại bệnh viện trên địa bàn huyện.

Vượt lên xung đột bột phát, nhiều vụ đánh nhau trong học sinh đã được lên kế hoạch. Những vụ việc như thế để lại sự lo lắng rất lớn cho xã hội.

Từng có những hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo dục phàn nàn rằng học sinh bây giờ đánh chửi nhau tùm lum, nói xấu thầy cô chả nể ai cả. Họ chỉ biết than phiền mà không đưa ra được biện pháp nhằm loại bỏ vấn nạn này.

Có những cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, nhà trường chỉ dạy kiến thức cho học sinh và chịu trách nhiệm với những gì xảy ra bên trong nhà trường, chứ không có nghĩa vụ đi theo học sinh để giám sát xem các em làm gì. Nghĩa là sau khi học sinh ra khỏi cổng trường thì trách nhiệm thuộc về xã hội. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Học sinh do nhà trường giáo dục, thì nhà trường cùng phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình, chứ không thể đổ lỗi khi có vấn đề xảy ra.

Để ngăn chặn tình trạng bạo lực ngoài xã hội liên quan đến học sinh, trường học phải xác định rõ nhiệm vụ giáo dục toàn diện, gồm cả dạy kiến thức văn hóa, đạo đức, pháp luật và thể chất, chứ không xem nặng cái này, bỏ nhẹ cái kia. Nếu như nhà trường tăng cường giáo dục đạo đức, bồi đắp lý tưởng, trách nhiệm sống cho học sinh; phối hợp thường xuyên cùng gia đình học sinh và cơ quan chức năng để giám sát, xử lý nghiêm vi phạm, thì học sinh đâu dám đánh nhau đến mức như thế.

Bạo lực diễn ra trong học đường hay học sinh vi phạm đạo đức, pháp luật ngoài xã hội, thì phần trách nhiệm trước tiên và trên hết đều gắn với người thầy, với gia đình, vì đã không giáo dục các em một cách đầy đủ và hiệu quả; không giám sát đến nơi đến chốn, không chủ động phát hiện để ngăn chặn.

Năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản về tăng cường công tác phòng, chống bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ngành và đơn vị có liên quan tập trung triển khai thực hiện nghiêm các nội dung nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức và bạo lực học đường, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, ứng xử văn hóa trong và ngoài trường học. Đặc biệt, yêu cầu thủ trưởng đơn vị giáo dục phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tình trạng bạo lực học đường tại đơn vị mình phụ trách.

Có biện pháp giáo dục, ngăn chặn từ trong trường học thì học sinh không còn đến mức phải hẹn nhau ra ngoài để giải quyết “ân oán” như vụ việc xảy ra ở huyện Nông Cống vừa rồi. Chúng ta hy vọng có thêm những bài học được rút ra từ vụ việc đáng tiếc này, để các trường học nhìn nhận lại, thực hiện tốt hơn công tác quản lý, để phát hiện, ngăn chặn sớm mầm mống bạo lực trong học sinh.

Tuệ Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nang-cao-trach-nhiem-phong-chong-bao-luc-trong-hoc-sinh-227893.htm