Nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân
ĐBP - Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các cấp chính quyền nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC); đối thoại để hiểu nhanh, thấu đáo tâm tư nguyện vọng người dân, từ đó giải quyết tốt những vấn đề người dân quan tâm, thắc mắc được xem là những nhiệm vụ trọng tâm...
Ðể CCHC hiệu quả, chất lượng, UBND tỉnh bám sát chủ trương của Chính phủ về phương châm hành động của chính quyền địa phương là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Ðề án “Xác định Chỉ số CCHC của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên” để các cấp chính quyền có cơ sở tổ chức thực hiện. Kết quả nổi bật CCHC trên địa bàn tỉnh là: Thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong CCHC. Ðặc biệt, là đổi mới tư duy, chuyển từ cơ chế “xin - cho” sang “phục vụ” trong điều hành, giải quyết công việc cho dân. Cảm nhận đổi thay trong giải quyết TTHC tại bộ phận “Một cửa” của các cơ quan chức năng, UBND cấp huyện là cơ sở hạ tầng khang trang, thoáng rộng; có bảng chỉ dẫn người dân lấy số thứ tự làm thủ tục; công chức mặc đồng phục đẹp; văn hóa giao tiếp nhẹ nhàng, cởi mở. Tính đến ngày 30/9, tổng số TTHC đang có hiệu lực trên địa bàn tỉnh 1.774 thủ tục, trong đó: Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh 1.430 thủ tục, UBND cấp huyện 300 thủ tục, UBND cấp xã 158 thủ tục. Với phương châm “Công khai, minh bạch, chính xác, hiệu quả”, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ các sở, ngành và chính quyền các cấp đã tạo được niềm tin, sự hài lòng đối với các tổ chức, cá nhân. Hiện nay, thời gian cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp mới (kể cả đăng ký thuế) trung bình là 2,47 ngày, thời gian cấp đăng ký thay đổi trung bình là 1,9 ngày; thời gian cấp phép xây dựng và thủ tục liên quan trung bình là 17 ngày; thời gian cấp phép quy hoạch thực hiện trung bình là 27 ngày; thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất thời gian thực hiện 15 ngày. Từ những kết quả tích cực nêu trên, tỉnh ta đứng thứ 25 (tăng 2 bậc), đạt 84,69 điểm trong bảng xếp hạng chỉ số CCHC (chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước) năm 2020 do Bộ Nội vụ công bố. Bên cạnh đó, tỉnh ta còn luôn quan tâm nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Ở nội dung này, các cấp chính quyền tập trung thực hiện những tiêu chí: Hiện đại hóa nền hành chính công. Ðến nay, tỉnh ta đã triển khai Hệ thống cung cấp Dịch vụ hành chính công trực tuyến tại 19 sở, ban, ngành tỉnh và 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn theo quy định. Không ngừng nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và trả kết, 9 tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận 130.445 hồ sơ. Trong đó, số mới tiếp nhận trong kỳ 128.506 hồ sơ (trực tuyến 11.690 hồ sơ; trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính 116.816 hồ sơ). Số hồ sơ đã giải quyết 128.820; trong đó, giải quyết trước hạn 82.526, đúng hạn 461.78 hồ sơ (đạt 98,75%). Nâng cao chất lượng công chức bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ theo hướng: Thái độ phục vụ nhân dân theo phương châm “4 xin”: Xin chào, xin hỏi, xin lỗi, xin cảm ơn và “4 luôn”: Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn sẵn lòng giúp đỡ người dân, doanh nghiệp. UBND các cấp thực hiện tốt tiêu chí các mô hình: “Chính quyền thân thiện của dân, do dân”, “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”, “Một cửa thân thiện”. Kết quả từ việc thực hiện các mô hình đã và đang góp phần quan trọng giúp cán bộ, viên chức bộ phận “Một cửa” tận tụy với công việc, không thờ ơ, thiếu trách nhiệm hoặc để xảy ra những hành vi tiêu cực khi thực thi công vụ.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng đối thoại với công dân. Thông qua đối thoại, những bức xúc, vướng mắc của nhân dân được giải quyết kịp thời, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong xã hội. Ông Cao Văn Ngà, trú tại tổ 4, phường Thanh Trường, TP. Ðiện Biên Phủ cho biết “Người dân chúng tôi rất hoan nghênh hoạt động này vì lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho dân”. Ông kể: Tháng 4/2021, gia đình tôi cùng nhân dân trên địa bàn được chính quyền cơ sở vận động giao mặt bằng khu đất đang ở để thực hiện Dự án Ðầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Ðiện Biên. Khi di chuyển bàn giao đất thực hiện Dự án, thay vì đi thuê chỗ ở như một số hộ khác (do chưa được đất cấp), tháng 6/2021 gia đình tôi mua một mảnh đất cũng trên địa bàn phường Thanh Trường. Việc này đảm bảo cho gia đình tôi bàn giao đất thực hiện Dự án đúng tiến độ, ngoài ra giúp gia đình tiết kiệm một khoản chi phí không hề nhỏ thời gian thuê nhà chờ được cấp đất. Dự kiến, mảnh đất mới mua tôi sẽ cho gia đình con trai, bởi cháu cũng sắp lấy vợ. Tuy nhiên, việc mua đất vô tình đã đẩy gia đình tôi vào diện: Hộ không được thụ hưởng chính sách bồi thường đất. Bởi UBND tỉnh có quy định, những hộ có đất ở trên địa bàn không thuộc diện thụ hưởng đền bù về đất. Sau khi được đối thoại cùng lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Ðiện Biên Phủ, tháng 9/2021 nguyện vọng được bồi thường về đất của gia đình tôi được toại nguyện.
Nỗ lực xây dựng chính quyền phục vụ trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng nâng chỉ số hài lòng về thủ tục hành chính (SIPAS) năm 2020 Ðiện Biên đạt 86,55% điểm, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được người dân và doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá tương đối cao.