Nâng cao trình độ cho sinh viên từ dạy học trực tuyến

Gần hai tháng nay, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã quen với việc học tập trực tuyến. Dù không thể thay thế được so với phương pháp dạy học truyền thống nhưng với hệ thống giảng dạy thông minh, bài giảng điện tử hấp dẫn cùng tâm huyết của các thầy cô, cách học tập mới mẻ này đang được các bạn sinh viên đánh giá là phương pháp tối ưu trong thời điểm phải nghỉ học kéo dài do dịch Covid-19.

Lớp học online của sinh viên lớp A và lớp B, K67, Khoa Vật lý diễn ra khá sôi nổi. Buổi học bắt đầu với môn học "Mở đầu vật lý chất rắn" do thầy giáo Phạm Đỗ Chung giảng dạy. Điều bất ngờ là hơn 60 thành viên của hai lớp tham gia buổi học rất đúng giờ và đầy đủ. Không chỉ ngồi nghe thầy giảng lý thuyết, các em còn mạnh dạn đưa ra những câu hỏi chưa rõ liên quan tới nội dung bài học trong giờ học online. Theo em Đinh Bá Dũng, sinh viên lớp A, ưu điểm của việc học online là nơi học rất linh hoạt, lại tiết kiệm thời gian. Đối với những nội dung thực hành, thầy cô chuẩn bị các bài giảng dưới dạng video. Tuy có phần hạn chế hơn so với việc học tập trên lớp nhưng với Dũng, cách học này giúp em dễ dàng tiếp cận với công cụ học tập mới.

 Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tập huấn nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin trong dạy học online.

Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tập huấn nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin trong dạy học online.

Dù nghỉ học kéo dài nhưng lịch học của em Chu Quang Bằng, K67A, Khoa Lý luận chính trị cùng các bạn trong khoa vẫn được thầy cô duy trì đều đặn theo thời khóa biểu hằng ngày. Tuy nhiên, việc học online của Bằng không mấy thuận lợi vì mạng wifi nơi em cư trú khá yếu. Mỗi buổi học, em lại phải mang máy tính lên một góc sân thượng thì mới có sóng wifi để học trực tuyến. Cũng như nhiều sinh viên khác, Bằng cho rằng, việc tận dụng ưu thế của internet trong dạy và học thời điểm này là rất hợp lý. Dù không gặp trực tiếp thầy cô và các thành viên trong lớp nhưng các em vẫn tương tác được với nhau thường xuyên qua phần mềm dạy học trực tuyến của nhà trường, qua email lớp. Bằng cho biết: “Dù còn một số bất cập khi phải học online kéo dài nhưng đây cũng là cơ hội để chúng em tiếp cận với cách dạy học thông minh, cần thiết cho nghề giáo trong tương lai”.

Việc dạy học qua mạng cho sinh viên đại học chính quy của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bắt đầu từ gần hai tháng trước. Để triển khai hệ thống quản lý học tập (LMS), Ban giám hiệu nhà trường đã chủ động lên kế hoạch sẵn sàng cơ sở vật chất, tập huấn cho giảng viên toàn trường nâng cao nghiệp vụ. Toàn bộ dữ liệu đào tạo đại học chính quy của học kỳ II, năm học 2019-2020 được nhà trường chuyển lên hệ thống LMS, bao gồm thông tin về 7.260 sinh viên, 645 giảng viên và 737 môn học của 23 khoa và hai bộ môn trực thuộc trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Trần Đăng Hưng, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Để học online, mỗi sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ ba đều được cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống. Toàn bộ hoạt động học tập được triển khai trên hệ thống, sinh viên xem các video bài giảng, thực hiện những bài trắc nghiệm và bài tập tự luận theo kế hoạch đề ra. Các công cụ hỗ trợ trong hệ thống giúp sinh viên và giảng viên trao đổi, thảo luận về nội dung bài học, bài tập. Ban giám hiệu, Ban chủ nhiệm khoa luôn theo dõi thông tin trong hệ thống để nắm bắt được tình hình dạy và học của giảng viên, sinh viên”.

Để bảo đảm việc dạy học trực tuyến đồng bộ cho tất cả môn học trong toàn trường, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên đưa ra các chỉ đạo kịp thời để điều chỉnh kế hoạch dạy học qua mạng cho phù hợp với thực tế triển khai của các khoa. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin của trường cũng thường xuyên hỗ trợ và hướng dẫn các giảng viên về kỹ thuật tạo bài giảng điện tử sinh động, hấp dẫn với sinh viên, như: Cắt ngắn các đoạn video bài giảng, chèn các câu hỏi vào trong video, tạo các gói câu hỏi trắc nghiệm...

“Ban giám hiệu nhà trường kỳ vọng, hình thức học tập này không chỉ được sử dụng trong thời gian sinh viên không đến giảng đường mà về lâu dài sẽ kết hợp đào tạo truyền thống với đào tạo qua mạng để nâng cao chất lượng cho sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vừa giỏi về chuyên môn, thành thạo trong việc sử dụng các phương pháp dạy và học hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”, PGS, TS Trần Đăng Hưng cho biết.

Bài và ảnh: UYÊN NHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/nang-cao-trinh-do-cho-sinh-vien-tu-day-hoc-truc-tuyen-614705