Nâng cao tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại Vĩnh Phúc
Trong các chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, san sẻ cộng đồng. Trong những năm gần đây, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, số người tham gia các loại hình bảo hiểm này đạt kết quả tích cực. Bài viết này phân tích thức trạng tham gia BHXH, BHYT, BHTN của người dân tại tỉnh Vĩnh Phúc, qua đó đề xuất các giải pháp cần thiết nhằm nâng cao tỷ lệ người tham gia trên địa bàn Tỉnh.
Đặt vấn đề
Trong giai đoạn 2012-2022, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc luôn chủ động, bám sát các giải pháp chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, BHXH Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể triển khai các chính sách, giải quyết kịp thời chế độ BHXH, BHYT, BHTN nhằm khuyến khích người lao động tham gia các sản phẩm bảo hiểm này.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn Tỉnh thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn cần giải quyết như: Việc đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN của các cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn còn hạn chế; Tình trạng nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN xảy ra thường xuyên. Những tồn tại này ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN đối với NLĐ và kết quả thu BHXH, BHYT, BHTN.
Do đó, việc nghiên cứu giải pháp nâng tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là cần thiết và có ý nghĩa cấp bách.
Thực trạng phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại Vĩnh Phúc
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác BHXH, BHYT, BHTN. Công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh giao dịch điện tử, hỗ trợ các đơn vị sử dụng lao động trong thực hiện thủ tục hành chính cũng được triển khai mạnh mẽ.
Theo đó, số lượng các đơn vị tham gia BHXH tăng qua các năm và trong từng lĩnh vực cụ thể, số lượng các đơn vị, các cơ quan, doanh nghiệp (DN) tham gia vào mạng lưới BHXH cũng gia tăng nhanh chóng (Bảng 1).
Nguồn: BHXH tỉnh Vĩnh Phúc
Đồng thời, BHXH Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT tại địa phương và có những giải pháp đồng bộ đạt vượt chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao. Tính đến ngày 31/12/2022, số người tham gia BHYT trên địa bàn Tỉnh là 1.135.243 người, đạt 100% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; tỷ lệ bao phủ đạt 94,84% dân số; Vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 1,9%.
Để đạt lộ trình BHXH toàn dân, BHXH Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu HĐND Tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 về quy định chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020–2025. Theo đó, từ 01/8/2020 người dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ 03 mức theo quy định của Luật BHXH.
Từ năm 2017 đến năm 2022, BHYT Vĩnh Phúc luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao, cao nhất là năm 2018 với tỷ lệ hoàn thành 101,86% và thấp nhất năm 2022 với tỷ lệ hoàn thành 100,01%. BHXH bắt buộc với tỷ lệ hoàn thành 5 năm trở lại đây đều vượt mức 100% kế hoạch được giao. Riêng BHTN, tuy 5 năm không hoàn thành chỉ tiêu được giao nhưng tỷ lệ người tham gia đạt xấp xỉ 100% so với kế hoạch. Đối với BHXH tự nguyện có mức thực hiện khá thấp so với kế hoạch, đặc biệt trong năm 2019 mức độ hoàn thành chỉ tiêu đạt tỷ lệ 65,55%, tương đương với hoàn thành ở mức 2/3 kế hoạch năm, nhưng đến năm 2021 tỷ lệ này đạt 109,48% so với kế hoạch, tăng hơn gấp 2 lần số người tham gia so với năm 2020.
Điểm mạnh, hạn chế
Bên cạnh thực trạng tham gia bảo hiểm tại tỉnh Vĩnh Phúc, tác giả chỉ ra những điểm mạnh và hạn chế trong triển khai chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn Tỉnh như sau:
Điểm mạnh
Một là, chính sách BHXH, BHYT trở thành những trụ cột chính sách của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Đây là những chính sách an sinh xã hội, nhân văn của Đảng và Nhà nước, nhằm đảm bảo mọi công dân có quyền được hưởng an sinh xã hội.
Hai là, vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh quy mô lớn và tập trung, thuận lợi cho việc quản lý và thúc đẩy người lao động tham gia BHXH, BHYT và BHTN. Vĩnh Phúc là một trong 7 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cửa ngõ kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc, tiếp cận trực tiếp với hành lang kinh tế phía Bắc… Nhờ đó, Vĩnh Phúc có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia; Vĩnh Phúc có thể mạnh phát triển công nghiệp với lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng kỹ thuật cùng với quỹ đất lớn…
Ba là, chính quyền địa phương chỉ đạo thống nhất và có tư duy đổi mới sáng tạo qua nhiều thời kỳ trong việc phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là chú trọng an sinh xã hội cho người dân. Tỉnh Vĩnh Phúc tạo được sự ổn định về chính sách, chiến lược phát triển, và công tác quy hoạch đảm bảo sự kế thừa và nhất quán giữa các thời kỳ. Ban Giám đốc BHXH Vĩnh Phúc tập trung nắm bắt tình hình thực tế, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ…
Bốn là, người dân tin tưởng vào đại lý thu BHXH, BHYT, đến các điểm giao dịch nhiều hơn. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình thông qua hệ thống đại lý thu tăng lên rõ rệt. Trên cơ sở các quy định về hoạt động đại lý thu được ban hành, các đại lý thu đã tổ chức hoạt động đảm bảo đúng quy định, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác thu, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu do BHXH tỉnh giao.
Hạn chế
Một là, nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) tại Tỉnh còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài nhà nước. Do vậy, NSDLĐ trốn tránh không đăng ký kê khai nộp BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ còn tồn tại.
Hai là, việc vận động người tham gia BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn, do mức chuẩn nghèo tăng, thay đổi của chính sách về độ tuổi nghỉ hưu… nên người dân tham gia vẫn còn hạn chế.
Ba là, ý thức tuân thủ pháp luật không nghiêm. Nhiều DN, NSDLĐ cố tình lách luật, lạm dụng quỹ BHXH. Nhiều NLĐ do sức ép về việc làm, thu nhập và có nhận thức chưa đầy đủ về quyền lợi khi tham gia BHXH nên cũng đồng tình với NSDLĐ để trốn đóng BHXH.
Bốn là, việc khai thác mở rộng đối tượng cũng như giải quyết vấn đề nợ đọng và trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN có lúc chưa hiệu quả. Việc xử lý còn chậm và qua nhiều khâu, nhiều cấp. Công tác thanh kiểm tra mặc dù đã được các ngành có liên quan hết sức quan tâm nhưng chỉ mới thực hiện ở mức độ khiêm tốn, khiến DN có tâm lý đối phó, trốn tránh.
Năm là, công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đã được triển khai nhưng chưa thường xuyên, hình thức vẫn còn hạn chế. NLĐ chưa nhận thức được đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ và tầm quan trọng của việc tham gia BHXH. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các ban, ngành trong việc khai thác mở rộng đối tượng cũng như giải quyết vấn đề nợ đọng và trốn đóng BHXH có lúc chưa hiệu quả; cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính quyền địa phương chưa chủ động chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân và đơn vị NSDLĐ thực hiện đúng quy định của Luật BHXH.
Cơ hội và thách thức
Trên cơ sở nghiên cứu tình hình kinh tế - xã hội, thực trạng tham gia bảo hiểm tại Vĩnh Phúc, tác giả còn chỉ ra những cơ hội cũng như thách thức đáng chú ý trong triển khai các chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại địa phương.
Một số cơ hội
Thứ nhất, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh tạo ra công ăn việc làm và cơ hội gia tăng lực lượng lao động tại các tổ chức và tham gia các loại hình bảo hiểm bắt buộc.
Phát triển công nghiệp: Vĩnh Phúc có nhiều cơ hội để các DN lớn tiếp tục mở rộng đầu tư, thu hút các DN, công nghiệp hỗ trợ khác tham gia vào chuỗi cung ứng.
Phát triển dịch vụ: Vĩnh Phúc có bán kính di chuyển khoảng 50km từ trung tâm Thủ đô Hà Nội, với nhiều dạng địa hình và khí hậu, Tỉnh sở hữu một tiềm năng du lịch lớn với nhiều loại hình khác nhau. Cùng với đó, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với nhiều FTA thế hệ mới, tiêu biểu như: CPTPP, EVFTA, RCEP… đã và đang tạo điều kiện cho Vĩnh Phúc mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút khách du lịch quốc tế và vốn đầu tư nước ngoài.
Phát triển nông nghiệp: Nhu cầu về sử dụng thực phẩm sạch, bảo đảm an toàn đã và đang trở thành nhu cầu thiết yếu của nhiều người dân. Điều đó mở ra cơ hội lớn trong việc phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao của Tỉnh trong thời gian tới.
Thứ hai, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp các ngành trong việc thúc đẩy người dân tham ga các loại hình bảo hiểm. Cụ thể, trong Kế hoạch số 266/KH-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về triển khai công tác phát triển người tham gia BHXH. BHYT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giải đoạn 2022-2025 xác định một số giải pháp nhằm đạt hiệu quả công tác này như: Nâng cao hiệu quả , hiệu lực của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn để gắn trách nhiệm lãnh đạo của các địa phương; Tổ chức rà soát, phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại các đơn vị sử dụng lao động; Khảo sát, xác định lực lượng lao động đang làm việc ở khu vực phi chính thức trên địa bàn đề ra các giải pháp vận động lực lượng lao động này tham gia BHXH tự nguyện…
Thách thức đặt ra
Thứ nhất, sự biến động của thị trường và tác động của nền kinh tế quốc tế tác động đến sản xuất và kinh doanh của DN. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế suy thoái, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN gặp khó khăn, số DN phá sản, giải thể lớn... kéo theo nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN tăng cao.
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại, đầu tư quốc tế có xu hướng giảm; chủ nghĩa dân túy, bảo hộ có xu hướng tăng lên. Kinh tế nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới làm tăng sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp, các sản phẩm trong tỉnh, trong nước.
Thứ ba, sự cạnh tranh mạnh mẽ trong thu hút đầu tư từ các địa phương lân cận ngày cang cao tạo ra thách thức cho việc tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương, dẫn đến nhiều vấn đề mang tính xã hội như vấn đề dịch cư, lao động, thu nhập, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội… Từ đó dẫn đền nguy cơ giảm lược việc làm, và số lượng người tham gia BHYT, BHXH và BHTN của Vĩnh Phúc giảm xuống.
Giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN
Thông qua việc chỉ ra thực trạng cũng như phân tích những điểm mạnh, hạn chế, cơ hội, thách thức trong việc triển khai các chính sách bảo hiểm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại địa phương.
Bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh và BHXH Việt Nam, kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch công tác năm 2023 để triển khai kịp thời trong toàn hệ thống BHXH Tỉnh, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tháo gỡ, xử lý kịp thời các vướng mắc hoặc đề xuất cơ quan thẩm quyền giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại địa phương.
Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp BHTN; tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT; tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực hoạt động; người dân sử dụng ứng dụng VssID. Tổ chức triển khai hiệu quả 04/25 dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06/ĐA-CP theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.
Phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc: rõ người, rõ việc, rõ quy trình trách nhiệm, rõ kết quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ.
Phát động các phong trào thi đua theo chuyên đề, tập trung vào các lĩnh vực công tác trọng tâm; động viên, khuyến khích và tổ chức khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều cố gắng, nỗ lực, có nhiều sáng kiến, cách làm hay, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ.
Kết luận
Trong những năm gần đây, số lượng người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang có xu hướng gia tăng, đây là kết quả vào cuộc của các ban ngành có liên quan của Tỉnh. Nhận thức của người dân về các loại bảo hiểm cũng đang tăng lên, tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn hạn chế trong nhận thức về các loại hình bảo hiểm. Để gia tăng số lượng người tham gia tham gia BHXH, BHYT, BHTN cần nhiều các giải pháp đồng bộ từ phía các cơ quan quản lý như tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và DN, nâng cao chất lượng các dịch vụ công, dịch vụ bảo hiểm như việc cấp phát sổ BHXH, BHYT, BHTN giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các loại hình bảo hiểm…
Tài liệu tham khảo:
Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Báo cáo giám sát quốc hội các năm 2008-2015;Điều tra HB&IS, Hà Nội và TP. HCM, TCTK-VKHTK/IRD-DIAL, 2007-2009;Nguyễn Văn Định (2005), Giáo trình Bảo hiểm, NXB Thống kê, Hà Nội;ILSSA và HSF (2012), An sinh xã hội cho khu vực phi chính thức và người lao động khu vực phi chính thức ở Việt Nam; ILSSA và HSF (2012), Đánh giá kết quả thực hiện chính sách BHXH tự nguyện trong khu vực phi chính thức;ILSSA, GIZ và Evaplan (2012), Vai trò của chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi Việt Nam;ILSSA và ILO (2017), Khảo sát lao động phi chính thức;ILO (2013), Đánh giá dự báo tài chính quỹ hưu trí và tử tuất của Việt Nam.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2023