Nâng cao uy tín, giá trị sản phẩm dược liệu từ truy xuất nguồn gốc

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, trong đó có dược liệu là 'chìa khóa' khởi tạo niềm tin với người tiêu dùng và trở thành một trong những tiêu chí bắt buộc khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Chăm sóc dược liệu tại HTX Nấm và cây dược liệu xã Khánh Công (Yên Khánh).

Chăm sóc dược liệu tại HTX Nấm và cây dược liệu xã Khánh Công (Yên Khánh).

Tại Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp) những năm trước đây, sản phẩm được tiêu thụ chưa nhiều ở thị trường ngoài tỉnh, giá cả không cao. Để mở rộng khách hàng trong nước, HTX đã đầu tư hạ tầng và mở rộng vùng nguyên liệu. Từ sản phẩm tinh bột nghệ đầu tiên, đến nay HTX đã sản xuất ra 15 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3-4 sao.

Với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, đơn vị đã sử dụng, ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản NBC-Trace của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia. Thông qua mã QR gắn lên sản phẩm, tất cả công đoạn từ ươm giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đều được cập nhật trên hệ thống theo thời gian thực hiện.

Ông Lê Ngọc Trinh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn cho biết, so với trước đây, HTX mới có tem truy xuất thông tin, việc được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đã khẳng định uy tín, tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, ngăn chặn hành vi gian lận thương mại; chất lượng, giá cả sản phẩm được nâng tầm, tiếp cận và chinh phục nhiều khách hàng. Nhiều đại lý, công ty trong và ngoài tỉnh đặt hàng làm nhà phân phối và sử dụng sản phẩm HTX làm quà tặng. Hiện nay, riêng lượng tiêu thụ sản phẩm tinh bột nghệ của HTX năm sau tăng lên nhiều lần so với năm trước (trước đây 1 năm bán được khoảng 2 tấn tinh bột nghệ, hiện nay bán gấp 2 lần năm trước). Đặc biệt, sản phẩm tinh bột nghệ vàng của HTX đã được công nhận là "Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam" năm 2022.

Còn đối với HTX Nấm và cây dược liệu xã Khánh Công (Yên Khánh) hiện có 29 thành viên. Tổng diện tích trồng cây dược liệu là 14,5 ha. Khu nhà xưởng trồng nấm rộng 4.000 m2 được đầu tư lắp đặt máy móc công nghệ cao như: hệ thống tưới thông minh, hệ thống chiếu sáng, máy nghiền nguyên liệu, máy trộn nguyên liệu, lò hấp sấy thanh trùng. Các loại cây dược liệu của HTX đang sản xuất như: Trạch tả, bạch chỉ, nghệ đỏ, ngưu tất, huyền sâm, nấm Linh chi… đã được ký kết hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thu nhập trung bình hàng tháng của các thành viên HTX đạt từ 6-8 triệu đồng.

Năm 2022, với sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, HTX đã sử dụng, ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản Agritech. Với ứng dụng này, tất cả các công đoạn từ ươm giống, chăm sóc, vun sới, bón phân, thu hoạch, bảo quản đều được cập nhật trên hệ thống theo thời gian thực. Thông qua một mã QR gắn trên sản phẩm, người tiêu dùng có thể biết được toàn bộ quy trình sản xuất. Nhờ ứng dụng truy xuất nguồn gốc đã khẳng định được uy tín, tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, đồng thời góp phần ngăn chặn hành vi gian lận thương mại. Bên cạnh đó, để xây dựng thương hiệu, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, HTX đã tiến hành đăng ký độc quyền bảo hộ sản phẩm tại Cục Sở hữu trí tuệ và đăng ký bản quyền tem nhãn, tem truy xuất nguồn gốc qua mã QR.

Truy xuất nguồn gốc dược liệu là một phần quan trọng trong ngành dược phẩm để đảm bảo chất lượng và an toàn của các sản phẩm y tế. Truy xuất nguồn gốc giúp theo dõi từng bước trong chuỗi cung ứng, từ khi dược liệu được thu thập cho đến khi được sử dụng trong sản xuất thuốc.

Việc truy xuất nguồn gốc dược liệu không chỉ xác định nguồn gốc rõ ràng, minh bạch đối với sản phẩm dược liệu, mà còn góp phần nâng cao uy tín doanh nghiệp, làm tăng niềm tin của người tiêu dùng, chứng minh sản phẩm có chất lượng tốt, thúc đẩy hoạt động mua hàng.

Hệ thống truy xuất cũng cho thấy mọi công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, bảo quản sản phẩm được theo dõi một cách chặt chẽ và khi phát sinh sản phẩm lỗi, hư hỏng thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng xác định được khâu nào gây ra sản phẩm lỗi, hư hỏng, từ đó có những biện pháp khắc phục kịp thời, giảm tối đa sự thất thoát, hư hỏng. Truy xuất nguồn gốc dược liệu còn giúp tăng cường uy tín và cạnh tranh của quốc gia trên thị trường quốc tế. Việc đảm bảo chất lượng và an toàn của sản phẩm dược phẩm là một yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tại Ninh Bình, các HTX sản xuất nấm và dược liệu đều được sản xuất theo chuỗi giá trị. Quá trình hoạt động và sản xuất, các thành viên đều được tập huấn, hướng dẫn quy trình từ khâu làm đất, chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch, chế biến sản phẩm. Đến nay, một số HTX đã có mã số vùng trồng để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, đảm bảo sản phẩm đưa vào lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng sản phẩm này được sản xuất tại nơi khác trà trộn với vùng trồng đã được cấp mã số.

 Thu hoạch dược liệu tại HTX Sinh Dược, xã Gia Sinh (Gia Viễn).

Thu hoạch dược liệu tại HTX Sinh Dược, xã Gia Sinh (Gia Viễn).

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, để thúc đẩy phát triển lĩnh vực trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ các HTX liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các nội dung hỗ trợ tập trung vào tư vấn xây dựng liên kết, hỗ trợ máy móc thiết bị để thực hiện dự án liên kết; xây dựng mô hình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư, bao bì nhãn mác…

Hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng các mô hình HTX sản xuất loại nấm dược liệu theo hướng hữu cơ, điều này sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo uy tín cho các HTX.

Để thúc đẩy phát triển các HTX nấm dược liệu, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển mô hình liên kết sản xuất, sản xuất an toàn, như: hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tiếp cận vốn vay ưu đãi, lắp đặt hệ thống máy móc phục vụ sản xuất. Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển các HTX sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn nhất định, nhất là nguồn vốn, đòi hỏi sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn để nâng cao thương hiệu, giá trị kinh tế từ những sản phẩm dược liệu và các vùng trồng cây dược liệu, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp.

Trong phát triển dược liệu bền vững, công tác truy xuất nguồn ngốc dược liệu đóng vai trò và ý nghĩa rất lớn, đem lại một thị trường dược liệu, dược phẩm minh bạch, quyền lợi của người dân và doanh nghiệp được bảo đảm. Việc nhiều HTX coi trọng và sử dụng các ứng dụng truy xuất nguồn gốc cho thấy một sự thay đổi trong tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Bài, ảnh: Tiến Đạt

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nang-cao-uy-tin-gia-tri-san-pham-duoc-lieu-tu-truy-xuat/d2024062710001070.htm