Nâng cao vai trò Bí thư Chi bộ thôn, bản - Bài 2: Vẫn còn rào cản

Bí thư chi bộ thôn không chỉ đơn thuần lãnh đạo công tác Đảng mà còn phải làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng với nhân dân, phát huy vai trò trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự và nâng cao đời sống người dân. Hiện nay, nhiệm vụ của Bí thư chi bộ thôn ngày càng lớn, đặc biệt trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý.

>>Bài 1: Những người gánh 2 vai

Chưa tròn vai

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, năm 2024, số người hoạt động không chuyên trách thôn, tổ dân phố (với 3 chức danh là bí thư chi bộ, trưởng thôn (tổ dân phố), trưởng ban Công tác mặt trận) toàn tỉnh có 4.031 người, số này có tới 3.170 người trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo. Qua đó cho thấy đội ngũ Bí thư chi bộ thôn chưa được đào tạo bài bản về lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo, quản lý là khá lớn. Trong những năm qua, công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cấp ủy chi bộ đã được thực hiện thường xuyên nhưng việc quán triệt, triển khai các nghị quyết, chủ trương của Đảng còn hạn chế.

Một trong những hạn chế lớn đối với đội ngũ bí thư chi bộ đó là việc chuẩn bị nội dung, điều hành chất lượng sinh hoạt chưa đảm bảo, nội dung còn hình thức, chưa thực sự gắn với thực tiễn của địa phương. Qua báo cáo đánh giá thực hiện Đề án 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cho thấy đã có đổi mới hình thức, nội dung bồi dưỡng, tập huấn trang bị kiến thức, nghiệp vụ công tác đảng và kỹ năng tổ chức sinh hoạt chi bộ đã giúp cấp ủy, bí thư chi bộ nắm vững hơn yêu cầu, nội dung, quy trình, cách thức điều hành một buổi sinh hoạt chi bộ, qua đó chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên.

Một buổi sinh hoạt của Chi bộ 5, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang).

Một buổi sinh hoạt của Chi bộ 5, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang).

Bên cạnh đó báo cáo cũng đã chỉ ra ở một số chi bộ chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa đồng đều; sinh hoạt chuyên đề còn hạn chế; việc đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị tại một số chi bộ còn hình thức; vai trò nêu gương của người đứng đầu chưa thực sự rõ nét; tình trạng nể nang, dĩ hòa vi quý trong chi bộ còn lớn; một số cấp ủy, chi bộ chưa thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chưa đúng ngày quy định; chất lượng sinh hoạt chi bộ còn hạn chế, mang tính hình thức, nặng về triển khai các văn bản… Có những chi bộ thôn tổ chức sinh hoạt nhưng chỉ dừng lại ở việc phổ biến nghị quyết mà chưa có giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả tại địa phương.

Trong khi đó, việc lựa chọn Bí thư Chi bộ tại cơ sở, đặc biệt tại khu vực khó khăn phải đảm bảo tiêu chí: vừa đạt tín nhiệm cao trong Đảng, vừa có năng lực, uy tín với cộng đồng dân cư. Ở cơ sở, người hội tụ đủ hai yếu tố này về cơ bản là cán bộ hưu trí, có tuổi, ít người trong số đó đủ sức khỏe, sự năng động. Đồng chí Nguyễn Lâm Tới, Bí thư Đảng ủy xã Khuôn Hà (Lâm Bình) cho biết:Với những nhân sự trẻ, không có mấy người dám đứng ra nhận trọng trách, bởi họ vẫn đang trong độ tuổi làm kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, việc họp hành cũng khá nhiều, chi phối phần lớn thời gian, lại chịu không ít áp lực đồng nghĩa với việc họ không còn nhiều thời gian cho gia đình, làm kinh tế.

Việc nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, ngoài những ưu điểm, cũng còn một số thách thức cần khắc phục. Việc kiêm nhiệm đồng thời hai chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn đối với một số địa phương khá vất vả do áp lực công việc lớn, dễ quá tải, nhất là ở những thôn, bản vùng cao, nơi bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tuổi đã cao. Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Vân (Yên Sơn) cho biết, hiện toàn xã có 9/22 thôn thực hiện được nhất thể bí thư chi bộ là Trưởng thôn hoặc Trưởng ban Công tác Mặt trận.

Cán bộ thôn Thác Nóng, xã Sơn Nam (Sơn Dương) kiểm tra về vệ sinh môi trường các hộ trong thôn.

Cán bộ thôn Thác Nóng, xã Sơn Nam (Sơn Dương) kiểm tra về vệ sinh môi trường các hộ trong thôn.

Việc cùng lúc nắm giữ cả hai vị trí có thể làm giảm tính khách quan trong giải quyết công việc, đặc biệt trong các quyết định liên quan đến nhân sự, quản lý đất đai, tài chính công hoặc giải quyết tranh chấp trong cộng đồng. Việc tự giám sát, tự đánh giá công tác của chính mình có thể dẫn đến thiếu minh bạch, khó phát hiện và xử lý sai phạm kịp thời. Một số chi bộ đã phản ánh tình trạng quyền lực tập trung vào một cá nhân, gây khó khăn cho việc kiểm soát, tạo nguy cơ lạm quyền, mất đoàn kết nội bộ.

Hạn chế về công nghệ thông tin

Hiện nay, nhiệm vụ của Bí thư Chi bộ thôn ngày càng lớn, đặc biệt trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội và ứng dụng công nghệ vào quản lý. Bí thư Chi bộ thôn hiện nay không chỉ đơn thuần lãnh đạo công tác Đảng mà còn phải làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng với nhân dân, phát huy vai trò trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự và nâng cao đời sống người dân.

Trong bối cảnh công nghệ thông tin đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống, yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ bí thư chi bộ này ngày càng cao. Tuy nhiên thực tế cho thấy đội ngũ bí thư chi bộ còn những hạn chế về trình độ, chưa kịp thích ứng với sự phát triển của công nghệ, nhất là đối với những chi bộ vùng sâu, vùng xa, nhiều Bí thư Chi bộ chưa tiếp cận được công nghệ thông tin, làm giảm hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh đó, nhiều nơi có tình trạng “già hóa” đội ngũ bí thư chi bộ, chưa có lực lượng kế cận trẻ tuổi đủ năng lực để thay thế, dẫn đến tình trạng bí thư chi bộ thôn chủ yếu là cán bộ đã lớn tuổi, hạn chế trong tiếp cận cái mới. Thanh niên có trình độ thường chọn làm việc ở thành phố, ít người gắn bó với công tác cơ sở, khiến công tác tạo nguồn kế cận gặp khó khăn.

Đồng chí Chu Đức Hoàng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tú Thịnh (Sơn Dương) cho biết: Trên thực tế cho thấy, một bộ phận bí thư chi bộ thôn, bản nhận thức về tầm quan trọng của công nghệ trong công tác Đảng và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, khiến việc ứng dụng các giải pháp số vào thực tiễn gặp nhiều khó khăn. Nhiều bí thư chi bộ, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, còn gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ thông tin, chưa thành thạo các nền tảng số quản lý hồ sơ đảng viên điện tử, hay sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền.

Một số bí thư chi bộ vẫn duy trì phương thức lãnh đạo truyền thống, việc tổ chức sinh hoạt chi bộ còn mang tính hình thức, chưa thực sự gắn với các vấn đề thiết thực của địa phương. Chưa tận dụng triệt để công nghệ để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, khiến công tác lãnh đạo đôi khi còn chậm trễ so với thực tế phát triển của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Chủng, Phó Bí thư Thường trực xã Năng Khả (Na Hang) thì cho rằng việc tiếp cận và sử dụng các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền, vận động nhân dân chưa phổ biến, nhiều bí thư chi bộ còn lúng túng trong việc định hướng dư luận trên không gian mạng; chưa kịp thời phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội, dẫn đến việc để nhân dân tiếp cận những nguồn tin không chính thống, ảnh hưởng đến niềm tin vào Đảng và chính quyền; chưa chủ động tìm kiếm, kết nối các mô hình phát triển kinh tế ứng dụng công nghệ cao để hướng dẫn nhân dân.

Mặc dù đội ngũ Bí thư Chi bộ thôn đã có nhiều đóng góp quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về trình độ, năng lực, phương pháp lãnh đạo, chế độ chính sách và công tác dân vận. Để nâng cao chất lượng đội ngũ này, cần có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, cải thiện chế độ đãi ngộ và tăng cường sự hỗ trợ từ cấp trên trong triển khai nhiệm vụ.

Bài, ảnh: Thanh Phúc
(Còn nữa)

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nang-cao-vai-tro-bi-thu-chi-bo-thon-ban-bai-2-van-con-rao-can-206616.html