Nâng cao vai trò của Luật gia trong công tác bảo vệ môi trường
Ngày 26/4, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn Nâng cao kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường tại tỉnh Bình Dương.
Tham dự hội nghị có TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam; ông Nguyễn Văn Huệ, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội, Trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật Hội Luật gia Việt Nam; bà Ngô Thị Liên, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bình Dương; lãnh đạo Sở Tư pháp Bình Dương và gần 200 cán bộ, hội viên Hội Luật gia tỉnh Bình Dương.
Hội nghị nhằm nâng cao kiến pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao kiến thức pháp luật bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội, làm cơ sở để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam đồng thời góp phần thiết thực, hiệu quả vào công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, xây dựng môi trường sống trong sạch, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Phát biểu khai mạc, TS. Trần Công Phàn cho biết, những năm gần đây, theo quy mô của nền kinh tế, dân số, mức độ công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề môi trường đang trở thành vấn đề cấp bách, phức tạp và nhạy cảm, tác động trực tiếp, nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Trên toàn quốc hiện đang có rất nhiều các khu công nghiệp được xây dựng để đáp ứng quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Một số khu công nghiệp lại chưa được đầu tư đúng cách, hậu quả làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng hơn do các hoạt động xả thải của chúng.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc phun lượng lớn các hóa chất vào các loại cây trồng không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân khi tiêu dùng sản phẩm mà còn gây ô nhiễm môi trường đất khi một lượng lớn thuốc không được cây trồng hấp thụ hết. Ngoài ra, rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nông nghiệp, chất thải xây dựng cũng đang là vấn đề trong những năm gần đây…
Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này, ngay từ rất sớm, Đảng và Nhà nước ta đã đưa vấn đề bảo vệ môi trường là một trong những chính sách lớn, mang tính sống còn của đất nước, vì vậy trong thời gian qua Bộ Chính trị cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để định hướng cho vấn đề này.
Nhấn mạnh Hội Luật gia Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, khẳng định vị thế, vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt khi mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 14 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới.
“Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp cùng hệ thống tổ chức Hội ở 63 tỉnh, thành phố từ Trung ương cho đến cấp cơ sở, Hội Luật gia Việt Nam mong muốn đóng góp một phần công sức của mình nhằm đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường vào cuộc sống”, TS. Trần Công Phàn nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Huệ, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội, Trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật Hội Luật gia Việt Nam trình bày các chuyên đề: Môi trường và phát triển bền vững; chính sách, pháp luật về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường.
Ông Huệ cho biết, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm lượng rác thải nhựa đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Dự báo, đến năm 2050, khối lượng rác thải nhựa ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng cá trong đại dương. Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng chất thải nhựa xả ra đại dương hàng năm. Tác hại của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người là rất nghiêm trọng, tỷ lệ ung thư năm 2021 dự đoán tăng 47% so với năm 2020 một phần do ô nhiễm môi trường.
Trong những năm gần đây, môi trường và phát triển bền vững là vấn đề luôn được các ngành, các cấp quan tâm. Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường được khẳng định rõ trong chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Hệ thống chính sách, pháp luật đầy đủ, bao gồm các quy định chung về bảo vệ môi trường và các quy định trực tiếp, cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, đoàn thể, trong đó có Hội Luật gia Việt Nam.
Thạc sĩ luật Nguyễn Thành Danh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia tỉnh Bình Dương trình bày chuyên đề “Pháp luật về bảo vệ môi trường và thực tiễn thi hành tại tỉnh Bình Dương”.
Theo đó, những năm gần đây, tại Bình Dương, nhiều vụ ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Cụ thể là địa bàn phường Tân Bình, Tp.Dĩ An, người dân bức xúc khi nước ở con suối Cây Sao đổi màu liên tục kèm mùi hôi khó chịu.
Hay các địa bàn xã Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, Khu công nghiệp Đại Đăng của Tp.Thủ Dầu Một có hiện tượng xả nước thải có hóa chất vượt tiêu chuẩn chảy ra ngoài cống thoát nước… Đáng nói, cơ quan chức năng tại Bình Dương đã nhiều lần vào cuộc chủ động kiểm tra, thụ lý, giải quyết nhiều vụ chôn lấp chất thải trái phép…
Trong đó, năm 2022, Phòng Cảnh sát môi trường kiểm tra xử lý 795 vụ vi phạm về tài nguyên môi trường và an toàn thực phẩm, xử phạt 637 vụ với số tiền hơn 31 tỷ đồng… Phối hợp Thanh tra sở, ngành kiểm tra 23 cơ sở, chuyển cơ quan thẩm quyền xử lý 211 vụ.
Thời gian tới Hội Luật gia tỉnh Bình Dương cần tập trung tham mưu xây dựng văn bản pháp luật về môi trường, tham mưu thực hiện công tác quy hoạch, quản lý và bảo vệ môi trường, lắng nghe nhân dân, tiếp tục tăng cường công tác giáo dục pháp luật cho doanh nghiệp và khu dân cư về ý thức bảo vệ môi trường…
Theo ông Nguyễn Văn Huệ, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội, Trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật Hội Luật gia Việt Nam cho biết, Hội luật gia Việt Nam có vai trò rất lớn trong việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật, bảo vệ môi trường.
Cụ thể, tham gia Tham gia Ban Soạn thảo, Tổ biên tập Luật bảo vệ môi trường, các dự án luật liên quan đến bảo vệ môi trường và dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành; Tham gia thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; Tổ chức Hội thảo khoa học, tọa đàm, hội nghị góp ý, phản biện xã hội cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; Tham gia rà soát, khảo sát, tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật nhằm phát hiện những bất cập, mâu thuẫn hoặc những vấn đề phát sinh mới trong thực tiễn có vai trò quan trọng góp phần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường…
Cũng theo ông Huệ, mục tiêu của Hội Luật gia thời gian tới là phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường hiệu quả thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường. Mục tiêu đặt ra cụ thể bao gồm: Phấn đấu 100% các cấp Hội Luật gia tham gia vào công tác phổ biến giáo dục pháp luât, đưa pháp luật về bảo vệ môi trường vào cuộc sống, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường gắn với xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Xây dựng các mô hình, cách làm chuyên nghiệp, hiệu quả để thu hút các luật gia, luật sư và nguồn lực xã hội tham gia. Trung tâm pháp luật cộng đồng, tổ phổ biến giáo dục pháp luật, Cà phê pháp luật…nhân rộng ra cả nước, phấn đấu 70% áp dụng mô hình, chuẩn hóa, hoàn thiện các mô hình
Triển khai các phong trào, chương trình, dự án, nhiệm vụ, kế hoạch tuyên truyền vận động cộng đồng doanh nghiệp và người dân bảo vệ môi trường
Đẩy mạnh công tác/mở rộng thực hiện phối hợp giữa các cấp Hội luật gia với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật…
Phát biểu tại hội nghị, bà Ngô Thị Liên, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bình Dương đánh giá cao về các chuyên đề được trình bày tại hội nghị. “Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam, Tỉnh ủy Bình Dương đã tạo điều kiện Hội Luật gia tỉnh Bình Dương dự hội nghị hôm nay, nhằm giúp hội viên nâng cao kiến thức về pháp luật bảo vệ môi trường, hiểu rõ hơn vai trò Hội Luật gia Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường thông qua chuyên đề được trình bày tại hội nghị. Các đồng chí đã nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các kiến thức về pháp luật bảo vệ môi trường, từ đó vận dụng vào thực tiễn tại địa phương trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương…”, bà Ngô Thị Liên cho biết.