Nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội

Các ủy viên, tổ chức thành viên, nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, chuyên gia, người từng tham gia lãnh đạo, quản lý... sẽ góp phần nâng cao chất lượng của đoàn giám sát, phản biện

Mới đây, Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức hội thảo với chủ đề "Vai trò của MTTQ thành phố thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền".

Cần sự phối hợp

Tại hội thảo, bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM - đánh giá thời gian qua, thành phố chưa tập trung giám sát và đề xuất xử lý dứt điểm một số vấn đề bức xúc, tồn đọng kéo dài của dân. Mặt khác, một số đoàn thể còn lúng túng trong việc xác định đối tượng, nội dung giám sát.

Theo đó, nguyên nhân là do trình độ hiểu biết của một số cán bộ MTTQ về chính sách pháp luật chưa sâu; chưa có sự phối hợp theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát. Việc phối hợp cung cấp thông tin giữa Ủy ban MTTQ và các cơ quan chức năng còn bất cập. Vì vậy, việc bồi dưỡng cho cán bộ MTTQ để nâng cao kiến thức, kỹ năng giám sát cần được quan tâm.

"Ủy ban MTTQ cần có sự phối hợp với ủy ban kiểm tra của Đảng ở các cấp trong việc tổ chức hoạt động giám sát đối với cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên từ việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giám sát, cũng như báo cáo kết quả giám sát và theo dõi thực hiện kết luận sau giám sát" - bà Phạm Phương Thảo nhìn nhận.

Theo bà Phạm Phương Thảo, trong bối cảnh một vài chính sách pháp luật còn chung chung, chồng chéo và xung đột, quá trình thực hiện hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ giúp phát hiện những bất cập. Đồng thời, có những đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật, nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn cũng như phòng ngừa sai phạm, giúp giảm thiểu rủi ro cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Qua đó, góp phần thúc đẩy "đầu tàu kinh tế" của cả nước phát triển nhanh và bền vững, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, cho rằng hoạt động giám sát ngày càng có vai trò to lớn trong việc bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị từ sớm, từ xa. Đây là "lá chắn" quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều đáng quan tâm trong hoạt động giám sát ở TP HCM là việc sử dụng các phương pháp nhằm phát huy hiệu quả vai trò của nhân dân. Qua giám sát, tập hợp ý kiến của các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân để trình cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết kịp thời.

"Vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên được thể chế hóa ngày càng rõ ràng và sâu sắc hơn. Thông qua MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân có quyền và có trách nhiệm giám sát cán bộ, đảng viên nhằm mục tiêu xây dựng Đảng cầm quyền và hệ thống chính trị ở Việt Nam ngày càng trong sạch, vững mạnh" - TS Bùi Thị Ngọc Trang phân tích.

Hội thảo “Vai trò của MTTQ TP HCM thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”

Hội thảo “Vai trò của MTTQ TP HCM thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”

Phải nâng cao nội lực

Theo luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại TP HCM, muốn phát triển công tác giám sát, phản biện thì MTTQ phải nâng cao nội lực.

Chức năng, vai trò giám sát, phản biện của MTTQ chính là đại diện cho nhân dân. Do đó, những đơn vị được MTTQ giám sát phải quan tâm, trân trọng công tác giám sát. Điều này chính là trân trọng lòng dân, trân trọng ý dân. MTTQ và các tổ chức thành viên cần chọn trưởng đoàn giám sát là người dũng cảm, mạnh dạn, dám nói. Đoàn giám sát, phản biện cũng cần quy tụ các chuyên gia chuyên biệt của từng ngành; qua đó nâng cao năng lực, sức mạnh chung của đoàn.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cho biết qua giám sát, phản biện xã hội, góp ý, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện rõ nét hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Nhiều văn bản kiến nghị sau giám sát, sau phản biện xã hội ở một số địa phương có chất lượng tốt; được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi. Từ đó, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức; bảo vệ lợi ích của nhà nước; hạn chế vi phạm pháp luật.

Còn hiện tượng né tránh

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, trong hoạt động giám sát, phản biện, góp ý ở một số địa phương, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn. Việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát; tiếp thu, phản hồi sau phản biện xã hội ở nhiều nơi chưa được chú trọng, dẫn đến kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao.

Vì thế, cần tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Trong đó, đặc biệt chú ý lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đền bù giải tỏa mặt bằng xây dựng các công trình, dự án; các vấn đề liên quan quyền làm chủ của nhân dân.

Ngoài ra, cần quan tâm giám sát các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường nhằm góp phần cùng các ngành chức năng chăm lo ngày càng tốt hơn cuộc sống của nhân dân TP HCM. Căn cứ yêu cầu phản biện của cơ quan, tổ chức gửi đến, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch phản biện xã hội.

Bài và ảnh: LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nang-cao-vai-tro-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-196240526172850819.htm