Nâng cao vai trò người có uy tín ở khu vực biên giới biển
Thời gian qua, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng đã phát huy vai trò của mình trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và thực hiện tốt chính sách dân tộc nói riêng. Đội ngũ này luôn gương mẫu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Người có uy tín góp sức xây dựng quê hương
Đặc biệt, người có uy tín là các vị chức sắc, sư sãi đã không ngừng vận động bà con phật tử sống “tốt đời, đẹp đạo”. Điển hình như Hòa thượng Thạch Huôn, là đại biểu Quốc hội khóa XIII, nhiệm kỳ 2011-2016, Phó Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Chi hội trưởng Chi hội đoàn kết sư sãi yêu nước thị xã Vĩnh Châu, trụ trì chùa Prey Chóp (xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu).
Phát huy vai trò là người có uy tín trong cộng đồng, Hòa thượng Thạch Huôn luôn tích cực, cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể địa phương, Đồn Biên phòng Lai Hòa (BĐBP Sóc Trăng) tuyên truyền, vận động nhân dân cũng như các phật tử thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phuơng; góp phần bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới biển; vận động đồng bào hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, phối hợp với Đồn Biên phòng Lai Hòa tổ chức lớp học tiếng Khmer tại đồn Biên phòng cho trẻ em khu vực biên giới biển nhân dịp nghỉ hè.
Đối với Hòa thượng Thạch Huôn, người theo tôn giáo hay không theo tôn giáo cũng đều phải làm tốt trách nhiệm của một công dân. Từ đó, ngoài việc hướng phật tử sống “tốt đời, đẹp đạo”, Hòa thượng Thạch Huôn còn trực tiếp đến từng phum, sóc xem hoàn cảnh gia đình của từng phật tử, để kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể có giải pháp giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Thiếu tá Nguyễn Hoàng Đệ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lai Hòa cho biết, đơn vị quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên địa bàn xã Lai Hòa, Vĩnh Tân (thị xã Vĩnh Châu), với tổng chiều dài 10,5km đường bờ biển; có 22 ấp với tổng dân số 8.922 hộ/42.960 khẩu, trong đó, dân tộc Khmer chiếm 77,7%. Những năm qua, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương ổn định và phát triển, góp phần vào thành quả ấy không thể thiếu vai trò của đội ngũ người có uy tín. Họ là những hạt nhân củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó quân và dân khu vực biên giới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng dân tộc thiểu số; tích cực gương mẫu thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, “Toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm” và các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
Ông Hàng Đinh, Trưởng ban quản trị chùa Tăng Du, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu chia sẻ: "Thời gian qua, bản thân tôi thường xuyên phối hợp với địa phương, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải tuyên truyền, vận động bà con phật tử trên địa bàn chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, đặc biệt là vận động nhân dân đăng ký tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” kết hợp tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Biên phòng Việt Nam cho các gia đình, thanh niên hiểu rõ, hăng hái sẵn sàng tham gia lên đường nhập ngũ".
Phát huy hiệu quả vai trò của người có uy tín
Đại tá Lê Văn Anh, Phó Chính ủy BĐBP Sóc Trăng cho biết: Thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, BĐBP Sóc Trăng đã tiến hành nhiều hoạt động, trong đó có tổ chức gặp mặt, biểu dương, tôn vinh 54 đại biểu gồm những quần chúng tiêu biểu, cán bộ cốt cán, người có uy tín. Hoạt động này nhằm ghi nhận sự đóng góp của các điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Bên cạnh việc tổ chức gặp mặt, biểu dương điển hình tiên tiến, BĐBP tỉnh còn tổ chức một lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc và 2 lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho 120 cán bộ, nhân viên ở các cơ quan, đơn vị. Đây là những hoạt động thiết thực nhằm trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về dân tộc và công tác dân tộc, đồng thời rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thông thạo tiếng Khmer, phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ giao tiếp với đồng bào dân tộc Khmer ở địa bàn công tác, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên khu vực biên giới biển tỉnh Sóc Trăng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia phát triển kinh tế - xã hội theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, tích cực thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo tinh thần Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Đại tá Lê Văn Anh khẳng định: "Việc phát huy hiệu quả vai trò của người có uy tín, là nội dung quan trọng trong thực hiện chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là một lực lượng quần chúng nòng cốt, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc, nhân dân khu vực biên giới biển. Các hạt nhân tiêu biểu người có uy tín đã có những đóng góp trong các hoạt động xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc".