Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người và là nền tảng cho sự phát triển KT-XH bền vững. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động, thanh, kiểm tra nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm luôn được Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về ATTP tỉnh, huyện chú trọng.

Nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội

Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật, hóa chất, độc tố tự nhiên và do thức ăn hư hỏng, biến chất. Các tác nhân trên đều có thể xảy ra qua đường ăn uống, chế biến và bảo quản thực phẩm.

Nhằm tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người SXKD trong công tác bảo đảm ATTP, BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh Long An tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành là thành viên BCĐ liên ngành tỉnh và BCĐ liên ngành các huyện, thị xã, thành phố triển khai hiệu quả công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng các đợt cao điểm: Tết Nguyên đán, Tháng hành động Vì ATTP năm 2024, Tết Trung thu,...

Xe truyền thông lưu động qua khu vực UBND xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh

Xe truyền thông lưu động qua khu vực UBND xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh

Công tác truyền thông lưu động được thực hiện đồng loạt trên toàn tỉnh. Thời gian qua, ngoài treo băng rôn tuyên truyền ATTP tại các trụ sở, khu vực đông dân cư, toàn tỉnh thực hiện 16 chuyến truyền thông lưu động trang bị xe cổ động trang trí băng rôn các nội dung tuyên truyền về bảo đảm ATTP và hưởng ứng Tháng hành động Vì ATTP năm 2024.

Đặc biệt, ngày 15/4/2024, 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đồng loạt thực hiện 15 chuyến truyền thông lưu động bằng xe cổ động có trang trí băng rôn những nội dung tuyên truyền về bảo đảm ATTP. Thành viên BCĐ là các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức. Từ đó, nhận thức của các cơ sở kinh doanh từng bước được nâng cao, tích cực đồng hành cùng ngành chức năng thực hiện các giải pháp bảo đảm ATTP.

Bà Phạm Thị Ngọc Mỹ - chủ cửa hàng tạp hóa Triết Minh Minh (phường 4, TP.Tân An), chia sẻ: “Tôi chú trọng chọn sản phẩm để kinh doanh là những nơi có uy tín, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nhằm tạo uy tín và bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Công tác tuyên truyền tập trung thực hiện ở những nơi đông dân cư; đồng thời, phát loa thông điệp Tháng hành động cùng các nội dung tuyên truyền như 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn, 5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn tại các khu vực chợ.

Nội dung tuyên truyền, hướng dẫn cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; phòng ngừa ngộ độc rượu;... cũng được chú trọng.

Quyền Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Trần Hoàng Sơn cho biết: “Các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Vì ATTP năm 2024 giúp các tổ chức, cá nhân SXKD thực phẩm; chính quyền các cấp; các cơ quan chức năng; người tiêu dùng thực phẩm chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, nâng cao nhận thức và xác định bảo đảm ATTP là trách nhiệm của toàn xã hội.

Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật về ATTP, tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong hoạt động SXKD thực phẩm. Từ đó, giảm thiểu các hành vi vi phạm trong SXKD thực phẩm”.

Tăng cường kiểm tra, quản lý

Toàn tỉnh có 11.706 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Công tác quản lý, thanh, kiểm tra về ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm luôn được BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh, huyện tập trung quan tâm thực hiện.

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh thành lập 273 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành các cấp thanh, kiểm tra 7.110 cơ sở, trong đó, số cơ sở vi phạm bị xử lý hành chính là 48 cơ sở với số tiền hơn 177 triệu đồng. Các đoàn kiểm tra lấy 45 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm.

Ngoài ra, các đoàn thanh, kiểm tra nhắc nhở gần 500 lượt cơ sở vi phạm mà không bị xử lý là các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, kinh doanh nhỏ, lẻ chủ yếu là theo mùa vụ, quy mô nhỏ, lẻ, gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm.

Ông Trần Hoàng Sơn cho biết thêm: “Nội dung vi phạm chủ yếu là do các cơ sở SXKD không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm; kiểm thực 3 bước không đúng quy định; không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi sơ chế, chế biến, nhà vệ sinh, khu vực sinh hoạt; không sử dụng găng tay, dụng cụ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với thực phẩm; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường. Các đoàn kiểm tra kịp thời phát hiện, hướng dẫn; đồng thời, lập biên bản, xem xét kiến nghị xử lý đúng theo quy định của pháp luật”.

Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm luôn được Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh quan tâm

Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm luôn được Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh quan tâm

Tại các địa phương, hoạt động tuyên truyền nhằm giúp các cơ sở SXKD hành động vì sức khỏe cộng đồng và vì sự phát triển bền vững luôn được quan tâm.

Tuyến huyện, tuyến xã tổ chức trên 170 cuộc nói chuyện chuyên đề; lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp sinh hoạt chi, tổ hội, mạng xã hội; tổ chức 35 lớp tập huấn; thực hiện trên 1.900 lượt phát thanh, phát hình trên các phương tiện thông tin đại chúng với các nội dung về thông điệp bảo đảm ATTP, 5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên, ngộ độc rượu; treo trên 250 băng rôn tuyên truyền tại các cơ quan, đơn vị, trên các tuyến đường chính và nơi tập trung đông dân cư; thực hiện 20 chuyến truyền thông lưu động trên toàn tỉnh, treo hơn 250 băng rôn tuyên truyền tại các cơ quan, đơn vị, ở các tuyến đường chính và nơi tập trung đông dân cư;.... Qua đó, người dân chủ động thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm ATTP.

Chị Huỳnh Thị Gái (ấp 4, xã Bình Tâm, TP.Tân An) chia sẻ: “Là bà nội trợ của gia đình, tôi thường tìm hiểu qua sách, báo để có kiến thức về ATTP. Nhằm bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, tôi chọn mua thực phẩm tươi ở những nơi có thương hiệu, uy tín. Trong chế biến thức ăn, tôi không sử dụng các phụ gia không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, tôi luôn rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi chế biến thực phẩm”.

Để bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới, các cơ sở SXKD cần chấp hành nghiêm các quy định về ATTP. Mọi người, mọi nhà cần tích cực, chủ động giữ gìn vệ sinh ATTP để bảo vệ an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình./.

Vụ 49 người nhập viện sau khi ăn bánh miễn phí: Sự cố về an toàn thực phẩm

Sau khi ăn bánh mỳ, bánh bao của người dân phát, nhiều người trong Đoàn Lân sư rồng tại Lễ hội Ông Bổn ở Bình Dương có biểu hiện mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt...

Ngọc Mận

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nang-cao-vai-tro-trach-nhiem-cua-nguoi-san-xuat-kinh-doanh-thuc-pham-a181510.html