Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ

Năng lực của phụ nữ được cộng đồng thừa nhận nhờ các đóng góp của họ vào quá trình phát triển tại địa phương chính là một trong hai mục tiêu quan trọng mà dự án Cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng nghèo thông qua cách tiếp cận quản lý cộng đồng đang thực hiện tại Bạch Thông.

Lần đầu tiên được tự quyết, làm chủ trong một công trình xây dựng nông thôn mới với số tiền 150 triệu đồng, bà Trần Thị Hằng- Trưởng thôn Nam Yên, xã Nguyên Phúc khá lo lắng trong lựa chọn công trình để xây dựng. Khi được tham gia Dự án Cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng nghèo thông qua cách tiếp cận quản lý cộng đồng, bà và nhiều thôn khác được hỗ trợ đã được tập huấn, hướng dẫn lựa chọn, lập dự toán, hồ sơ thiết kế… Vì là lần đầu tiên tự triển khai thực hiện nên mọi việc đều được hết sức cẩn trọng. Thôn đã lựa chọn xây mương dẫn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Phụ nữ thôn Nam Yên, xã Nguyên Phúc chủ động thực hiện các dự án xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu do chính người dân làm chủ.

Phụ nữ thôn Nam Yên, xã Nguyên Phúc chủ động thực hiện các dự án xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu do chính người dân làm chủ.

"Lúc đầu thực hiện dự án tôi và bà con có đôi chút lo lắng vì mình không có chuyên môn về lĩnh vực xây dựng, cũng như nghiệp vụ kế toán. Nhưng được sự ủng hộ của bà con, sự hỗ trợ của một người có kinh nghiệm đã giúp bản thân và nhóm nòng cốt triển khai dự án theo đúng kế hoạch, quy trình. Tôi cảm thấy bản thân mình trưởng thành và tự tin hơn trong những công việc của cộng đồng"- Trưởng thôn Nam Yên Trần Thị Hằng chia sẻ.

Dự án Cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng nghèo thông qua cách tiếp cận quản lý cộng đồng với mục tiêu “Năng lực của phụ nữ được cộng đồng thừa nhận nhờ các đóng góp của họ vào quá trình phát triển tại địa phương". Theo đó mọi công việc phụ nữ đều có quyền tham gia, quyền tự quyết và thực hiện nhiệm vụ. Dù đã làm Trưởng thôn lâu năm nhưng với bà Đinh Thị Sinh, thôn Ngoàn, xã Nguyên Phúc thì đây cũng là lần đầu tiên bà quyết định một việc quan trọng như vậy. Với 150 triệu đồng được hỗ trợ, bà đã kêu gọi sự ủng hộ của người dân, chị em phụ nữ xây dựng tuyến đường bê tông phục vụ lợi ích chung. Ngoài được hướng dẫn, bà cũng phải học hỏi và tham khảo rất nhiều trong quá trình thực hiện dự án.

Còn tại thôn Nà Cà, xã Mỹ Thanh, trong 3 năm qua có 6 tiểu dự án được triển khai với nguồn kinh phí hơn 200 triệu đồng đã mang lại sự thay đổi rõ nét trong xây dựng nông thôn mới. Mỗi khi có tiểu dự án triển khai, những hạt ngô được người dân sử dụng bỏ vào những hộp khác nhau. Hộp nhiều hạt ngô nhất sẽ được thôn lựa chọn triển khai tiểu dự án tương ứng. Đây là hình thức lựa chọn, quyết định đơn giản nhưng cho thấy sự dân chủ, minh bạch trong quản lý, vận hành các tiểu dự án ở cơ sở. Các nhóm nòng cốt do chính người dân lựa chọn dựa trên cơ sở uy tín, kinh nghiệm và sự nhiệt tình của cá nhân, trong đó phụ nữ chiếm đa số.

Chị Lý Thị Hồng, thôn Nà Cà, xã Mỹ Thanh cho biết: "Dự án Cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng nghèo thông qua cách tiếp cận quản lý cộng đồng được triển khai không chỉ giúp thay đổi bộ mặt những thôn bản vùng cao bằng xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu mà còn giúp nâng cao năng lực của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Nhiều chị em vốn rụt rè, ít tham gia hoạt động cộng đồng đã năng động, tự tin hơn nhờ tôi rèn qua trực tiếp thực hiện các dự án của thôn. Bản thân tôi sau những kinh nghiệm có được từ giai đoạn 1 của dự án đã chủ động chia sẻ kiến thức, kỹ năng cho một số cộng đồng khác".

Theo lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bạch Thông, hiện nay phụ nữ không chỉ gánh vác việc của gia đình, loanh quanh với đồng ruộng mà còn có tiếng nói, trách nhiệm trong các vấn đề của xã hội. Phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hoạt động, tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, hạn chế sinh con thứ 3 trở lên, giúp nhau phát triển kinh tế… Phụ nữ nông thôn ngày nay, ngay cả ở những thôn, bản vùng cao, vùng 135 đã thay đổi tư duy, nhận thức và cả trình độ, tham gia ngày càng nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với vai trò quan trọng và mang tính quyết định. Năng lực của phụ nữ được cộng đồng thừa nhận nhờ các đóng góp của họ vào quá trình phát triển tại mỗi miền quê. Đây cũng chính là cách thức thể hiện bình đẳng giới trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong huyện./.

Xuân Nghiệp

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202202/nang-cao-vai-tro-vi-the-cua-phu-nu-8ea1814/