Nâng cao văn hóa ứng xử của Công an nhân dân trong tình hình mới
Văn hóa ứng xử của lực lượng Công an nhân dân (CAND) được xây dựng trên cơ sở kế thừa truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc, quan điểm của chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách, đạo đức người Công an cách mạng 'Công an của ta là Công an nhân dân, vì Nhân dân mà phục vụ, dựa vào dân mà làm việc'. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: 'Khi Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn'. Nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ công an là đấu tranh với các loại tội phạm, giữ vững an ninh trật tự (ANTT). Đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với mặt trái, tiêu cực của xã hội, muốn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, công an phải dựa vào Nhân dân, đồng cam cộng khổ, gắn bó, yêu thương và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân, nên ứng xử của lực lượng CAND đối với Nhân dân trong cuộc sống đời thường cũng như khi thực thi nhiệm vụ là yếu tố quan trọng làm nên thắng lợi trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp ANTT.
Cán bộ, chiến sĩ công an muốn hoàn thành nhiệm vụ thì phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện bản thân; chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, một lòng một dạ phục vụ Nhân dân; kính trọng lễ phép với Nhân dân; thân ái, chân thành, yêu thương giúp đỡ đồng sự, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, chiến đấu không mệt mỏi vì bình yên của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân. Chấp hành nghiêm Điều lệnh CAND, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa của mỗi cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh. Đây vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu mà mỗi cán bộ, chiến sĩ công an cần phải suốt đời phấn đấu thực hiện.
Hòa trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, trải qua 76 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy, cán bộ, chiến sĩ CAND luôn phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, gắn bó mật thiết với Nhân dân, với đồng chí, đồng đội, sống có nghĩa, có tình. Trong cuộc chiến đấu thầm lặng, biết bao cán bộ, chiến sĩ CAND hành động vì nghĩa lớn, quên mình vì mọi người, đã không quản ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho Nhân dân, được Nhân dân tin yêu, mến phục. Ngay từ những ngày đầu cách mạng, cũng như trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, nhờ làm tốt công tác dân vận, biết ứng xử tốt, biết tôn trọng Nhân dân, biết vận động và dựa vào Nhân dân nên được Nhân dân tin yêu, giúp đỡ, tạo sức mạnh để lực lượng công an đương đầu với những thử thách cực kỳ nghiêm trọng chống thù trong giặc ngoài để bảo vệ thành quả cách mạng; bảo vệ Đảng và phong trào cách mạng quần chúng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, có biết bao chiến sĩ công an đã anh dũng ngã xuống vì sự bình yên của đất nước như: Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Lợi, Bùi Thị Cúc, Lê Thanh Á, Triệu Văn Phong, Phạm Văn Cường, Nguyễn Cao Tiến, Phạm Văn Chương… Trong cuộc sống hôm nay, cán bộ, chiến sĩ công an có nghĩa cử đẹp, lối ứng xử chuẩn mực, chăm lo quyền lợi của Nhân dân. Đó có thể chỉ là một việc làm nhỏ như tác phong lễ phép, thái độ ân cần, hướng dẫn tận tình, trách nhiệm cao của cán bộ, chiến sĩ công an trong tiếp xúc, giải quyết công việc kịp thời cho Nhân dân; giúp một cụ già, em bé đi qua đường; cảm hóa giáo dục trẻ em hư, chậm tiến; hay trăn trở khi chưa giải quyết xong một vụ án đến việc lao mình trong hiểm nguy cứu giúp đồng bào; hay bất chấp nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh để cứu chữa giúp phạm nhân cải tạo hoàn lương và thậm chí hy sinh cả hạnh phúc cá nhân, cả tính mạng dũng cảm đấu tranh với các loại tội phạm để bảo vệ Nhân dân… Đặc biệt, từ tháng 1/2020 đến nay, cùng với thế giới, nước ta đã trải qua 4 làn sóng lây nhiễm COVID-19. Hưởng ứng và quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng công an cả nước đã vào cuộc bằng khí thế và quyết tâm cao nhất góp phần phòng, chống, ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh để thực hiện “mục tiêu kép” phát triển KT - XH.
Với khẩu hiệu thi đua “Lực lượng Công an nhân dân - Lá chắn phòng COVID-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội”, cán bộ, chiến sĩ công an thực sự là lá chắn thép ở tuyến đầu phòng, chống COVID-19 với nhiều hình ảnh đẹp, chia ngọt sẻ bùi, sẵn sàng nhận về mình những thiệt thòi, mất mát, rủi ro bị lây nhiễm dịch bệnh vì sức khỏe và sự an nguy của Nhân dân. Trên tuyến đầu chống dịch đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ công an dũng cảm quên mình vì Nhân dân.
Đó là Trung úy Nguyễn Văn Chiến, cán bộ Công an huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An hy sinh lúc mới tròn 26 tuổi khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, phòng, chống COVID-19; đó là tấm gương cao đẹp của Thượng úy Phan Tấn Tài, 29 tuổi, cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Quận 6, TP. Hồ Chí Minh hy sinh trong lúc quyết tâm truy đuổi đối tượng chống người thi hành công vụ; đó còn là tấm gương hết lòng vì Nhân dân phục vụ của Đại úy Lê Huỳnh Nhật Minh, 32 tuổi, Phó Trưởng Công an xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu, Tây Ninh hy sinh do bị lây nhiễm virus COVID-19 khi làm nhiệm vụ truy vết các ca F1…
Năm 2020, người dân Quảng Trị và đồng đội mãi mãi khắc ghi tấm gương hy sinh quên mình của Thượng úy Trương Văn Thắng để cứu đồng bào Hướng Việt (Hướng Hóa) trong đợt lũ tháng 10… Các anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ giữa tuyến đầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh vì cuộc sống bình yên của Nhân dân. Tất cả đều thể hiện cách ứng xử có văn hóa của cán bộ, chiến sĩ công an, đưa văn hóa ứng xử CAND lên tầm cao của tính nhân văn.
Những chiến công lặng thầm, những nghĩa cử cao đẹp của những cán bộ, chiến sĩ CAND đã để lại trong lòng Nhân dân niềm tin và tình cảm tốt đẹp. Tất cả là sự biểu hiện sinh động nhất, sâu sắc nhất làm đẹp thêm văn hóa ứng xử CAND. Nhưng trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, có lúc chúng ta vô tình bỏ qua những giá trị tốt đẹp của văn hóa ứng xử. Trong đội ngũ lực lượng CAND vẫn còn đó những cá nhân chưa thực sự vì dân, còn xâm phạm đến lợi ích của Nhân dân, có những hành động thiếu văn hóa, ứng xử chưa đúng mực, chưa tôn trọng, lễ phép với Nhân dân, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì Nhân dân phục vụ; thậm chí còn có biểu hiện vô cảm trước nỗi đau của Nhân dân; chưa thực sự chân thành, chí tình, chí nghĩa trong mối quan hệ với đồng chí, đồng đội, có khi vì lợi ích cá nhân toan tính, ích kỷ, vụ lợi mà quên đi nghĩa tình thân ái… Những cư xử thiếu văn hóa đó tất yếu phải được đẩy lùi để nhường chỗ cho lối sống đẹp, ứng xử có văn hóa mà toàn xã hội cũng như lực lượng CAND đang vun đắp, xây dựng.
Văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ là yếu tố xuyên suốt quyết định việc xây dựng lực lượng CAND, quyết định sự thành bại của sự nghiệp bảo vệ ANTT, làm đẹp hình ảnh người chiến sĩ CAND. Để có được văn hóa ứng xử tốt, phải không ngừng rèn đức, luyện tài, trau dồi kiến thức và kinh nghiệm trong công tác, trong cuộc sống, lấy 6 điều Bác Hồ dạy làm phương châm sống và hành động; thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 07/CT-BCA-X11 ngày 26/10/2016 của Bộ Công an về “Tăng cường lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử CAND trong tình hình mới”, Thông tư số 27/2017/TTBCA, ngày 22/8/2017 của Bộ Công an về Quy định quy tắc ứng xử của CAND; Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; cuộc vận động của ngành “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn vì Nhân dân phục vụ” và hãy biết sống đẹp, sống có văn hóa.