Nâng cao vị thế Công đoàn Việt Nam trong phong trào Công đoàn quốc tế

Trưởng ban Đối ngoại Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, thông qua các diễn đàn, cơ chế đa phương của Công đoàn Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động đối thoại, chia sẻ thông tin với cộng đồng quốc tế, nâng cao sự hiểu biết, ủng hộ đối với thể chế của Việt Nam trong vấn đề lao động và hoạt động Công đoàn, góp phần khẳng định, nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong phong trào Công đoàn quốc tế và khu vực.

Phát biểu đề dẫn tại diễn đàn thảo luận chuyên đề về chủ đề: “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Công đoàn, phát huy vai trò Công đoàn ngành tham gia hội nhập quốc tế”, chiều 30/11, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Đối ngoại Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đức Thịnh cho biết, đây là một trong 10 diễn đàn được tổ chức trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhằm phát huy trí tuệ của đại biểu trong việc thảo luận, đề xuất, đóng góp các ý kiến sâu sắc để giải quyết những vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh, tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, tích cực hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trưởng ban Đối ngoại Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đức Thịnh phát biểu đề dẫn tại diễn đàn

Trưởng ban Đối ngoại Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đức Thịnh phát biểu đề dẫn tại diễn đàn

Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh nêu rõ, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.

Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Công đoàn Việt Nam nằm trong tổng thể các hoạt động đối ngoại nhân dân, dưới sự chỉ đạo thống nhất của đảng, trực tiếp là Ban Đối ngoại Trung ương, đầu mối là Vụ Đối ngoại Nhân dân.

“Thời gian qua, Công đoàn Việt Nam đã quán triệt, triển khai nghiêm túc chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý hoạt động đối ngoại được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống theo quy chế quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại”, Trưởng ban Đối ngoại Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết.

Cụ thể, các hoạt động đối ngoại song phương được thực hiện hiệu quả như: Trao đổi học tập kinh nghiệm hoạt động Công đoàn, ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ đào tạo cán bộ, tổ chức các hoạt động kỷ niệm, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế,...

Theo đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Công đoàn Việt Nam đã củng cố, duy trì, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với công đoàn các nước, tập trung vào quan hệ với công đoàn các nước láng giềng, các nước trong khu vực ASEAN và Châu Á - Thái Bình Dương, các nước bạn bè truyền thống.

Đồng thời, Công đoàn Việt Nam cũng chú trọng các hoạt động để khôi phục các mối quan hệ bị gián đoạn, từng bước mở rộng quan hệ với các đối tác mới theo chủ trương của Đảng.

Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương cũng thực hiện nhiều hoạt động đối ngoại song phương, thiết lập quan hệ đối tác mới và khôi phục, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác tương ứng.

Các đại biểu tham dự diễn đàn

Các đại biểu tham dự diễn đàn

Về đối ngoại đa phương, Trưởng ban Đối ngoại Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đức Thịnh thông tin, Công đoàn Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực trong các diễn đàn quốc tế, các hoạt động công đoàn quốc tế theo cơ chế đa phương; tham gia có trách nhiệm trong thực hiện các nghĩa vụ thành viên quốc tế.

“Đơn cử là Đại hội Liên hiệp Công đoàn Thế giới (WFTU) lần thứ 18 ở Italia năm 2022. Tại Hội nghị đồng chí Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch, tiếp tục thể hiện được uy tín, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong phong trào công đoàn thế giới”, đồng chí Nguyễn Đức Thịnh cho biết.

Bên cạnh đó, hiệu quả hợp tác với các tổ chức Công đoàn khu vực và quốc tế, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và các tổ chức phi chính phủ được nâng cao. Một số Công đoàn ngành trung ương tham gia ngày càng sâu vào hoạt động của các Công đoàn ngành, nghề quốc tế và khu vực.

Trưởng ban Đối ngoại Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, thông qua các diễn đàn, cơ chế đa phương của Công đoàn Việt Nam đã thúc đẩy các hoạt động đối thoại, chia sẻ thông tin với cộng đồng quốc tế, nâng cao sự hiểu biết, ủng hộ đối với thể chế của Việt Nam trong vấn đề lao động và hoạt động Công đoàn, góp phần khẳng định, nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong phong trào Công đoàn quốc tế và khu vực.

Đáng chú ý, đồng chí Nguyễn Đức Thịnh cho hay, trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hoạt động đối ngoại Công đoàn Việt Nam đã được triển khai bằng các hình thức linh hoạt để duy trì quan hệ với các đối tác như tham gia các diễn đàn, hội nghị trực tuyến; tổ chức các cuộc hội đàm, hội thảo trực tuyến.

Công tác vận động, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ, hợp tác về kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm của đối tác quốc tế đạt nhiều kết quả, góp phần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động Công đoàn.

Công tác thông tin đối ngoại có chuyển biến tích cực. Công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Công đoàn làm công tác đối ngoại được quan tâm với nhiều hình thức đa dạng. Công tác nghiên cứu về phong trào công nhân và Công đoàn quốc tế trong nhiệm kỳ qua được quan tâm, có nhiều đề tài nghiên cứu phục vụ các đề án quan trọng.

“Đặc biệt, triển khai Chỉ thị 12 của Ban Bí thư, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã lần đầu tiên nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về Công tác đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, Trưởng ban Đối ngoại Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.

Diễn đàn thảo luận chuyên đề về chủ đề: “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Công đoàn, phát huy vai trò Công đoàn ngành tham gia hội nhập quốc tế”

Diễn đàn thảo luận chuyên đề về chủ đề: “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Công đoàn, phát huy vai trò Công đoàn ngành tham gia hội nhập quốc tế”

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Đức Thịnh cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động đối ngoại có mặt còn chưa theo kịp với sự phát triển của Công đoàn Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng cần được thảo luận, phân tích, làm rõ nguyên nhân để trên cơ sở đó có những kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới.

Trong đối ngoại đa phương, đồng chí Nguyễn Đức Thịnh cho rằng, mức độ, nội dung tham gia chưa có nhiều đổi mới, chưa có nhiều sáng kiến đóng góp quan trọng. Việc tham gia ứng cử các vị trí lãnh đạo, tích cực phát huy vai trò tại các tổ chức Công đoàn quốc tế, các cơ chế đa phương mà Công đoàn Việt Nam là thành viên còn hạn chế, nhất là việc chuẩn bị nhân lực của các công đoàn ngành.

“Nội dung hoạt động chủ yếu tập trung ở khía cạnh hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác phát triển, còn khía cạnh đấu tranh, bảo vệ còn hạn chế”, Trưởng ban Đối ngoại Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu rõ.

Còn đối với quan hệ song phương, theo Trưởng ban Đối ngoại Tổng LĐLĐ Việt Nam, có hạn chế là chưa có trọng tâm, trọng điểm giữa các đối tác. Nội dung quan hệ với một số đối tác còn chưa tương xứng với khuôn khổ và tầm quan hệ, chưa thực sự đi vào chiều sâu; chưa tận dụng hết sự hỗ trợ của bạn.

“Mức độ tin cậy giữa ta và một số đối tác chưa cao nên quan hệ hợp tác chưa thực sự bền vững, dễ bị tác động khi nảy sinh các vấn đề bất ngờ, phức tạp. Khả năng tài chính để thực hiện các hoạt động đối ngoại của các LĐLĐ tỉnh biên giới còn hạn chế”, đồng chí Nguyễn Đức Thịnh nhìn nhận.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại còn đơn điệu. Việc khai thác, quản lý và sử dụng các nguồn lực bên ngoài có xu hướng giảm. Việc thực hiện quy chế quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại Công đoàn Việt Nam ở một số nơi còn chưa nghiêm. Công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn các phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trên thế giới còn chưa theo kịp với tình hình thực tiễn.

Từ những yêu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển trong giai đoạn tới, Trưởng ban Đối ngoại Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nêu rõ từng vấn đề cụ thể, đồng thời đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-vi-the-cong-doan-viet-nam-trong-phong-trao-cong-doan-quoc-te-163384.html