Nâng cao vị thế của các ngành văn hóa

Chấn hưng, bảo tồn và phát triển văn hóa là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn. Các nhiệm vụ giải pháp cần thực hiện; nguồn đầu tư ra sao và đầu tư vào đâu… là những vấn đề đặt ra với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

67 nghìn khán giả xem concert, ướ́c tính doanh thu khoảng 335 tỷ đồng, tức khoảng 14,1 triệu USD,… là 1 kỉ lục chưa có tiền lệ mà nhóm nhạc Black Pink của Hàn Quốc tạo ra ngay tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội vào tháng 7 năm ngoái. Sự kiện “nóng” ngay từ khi bắt đầu mở bán, khiến nhiều khán giả dồn sức “săn vé”.

Với tầm ảnh hưởng lớn như vậy, không ngạc nhiên khi 2 đêm nhạc đem về cho du lịch Hà Nội hơn 170 nghìn lượt khách, cùng với doanh thu khoảng 630 tỷ đồng. Thống kê cho thấy, các khách sạn tại khu vực gần nơi biểu diễn tăng 20% công suất buồng phòng so với các ngày cuối tuần trước đó.

Đó là sức ảnh hưởng không thể phủ nhận từ ngành công nghiệp văn hóa của nước bạn. Xây dựng công nghiệp văn hóa, tạo ra sức ảnh hưởng và giá trị với kinh tế, xã hội cũng là một trong những kỳ vọng của đại biểu và cử tri với chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Song, để xây dựng công nghiệp văn hóa, cần nhận thức đúng đắn về vị thế của văn hóa, không xem nhẹ, dễ dãi với lĩnh vực này.

Giải quyết những vấn đề mai một văn hóa trong thực tiễn, đồng thời xây dựng công nghiệp văn hóa là 1 trong những nội dung được đề cập trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Với 3 giai đoạn thực hiện, 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết, chương trình mục tiêu quốc gia này được đề xuất thực hiện trong 11 năm từ 2025-2035. Chương trình sẽ chính thức trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, từ ngày 3/6.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nang-cao-vi-the-cua-cac-nganh-van-hoa-224963.htm