Nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái

Đảm bảo quyền và lựa chọn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái là vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay. Bởi vậy, ngày Dân số thế giới năm 2023 được Quỹ Dân số Liên hiệp quốc lựa chọn chủ đề: 'Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta'.

Phụ nữ và trẻ em gái hiện chiếm 49,7% dân số toàn cầu. Bất bình đẳng giới là nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ và trẻ em gái không được đi học, không có việc làm và không giữ vị trí lãnh đạo; hạn chế những nỗ lực cá nhân và khả năng ra quyết định về sức khỏe, tăng nguy cơ dễ bị tổn thương do bạo lực... Những thông điệp của ngày Dân số thế giới năm 2023 hướng về phụ nữ và trẻ em gái được Quỹ Dân số Liên hiệp quốc đưa ra, cần được lan tỏa: “Xã hội và cộng đồng sẽ mạnh mẽ và lành mạnh hơn khi phụ nữ và trẻ em gái được quyền quyết định về việc lập gia đình và thời điểm kết hôn theo mong muốn của mình”, “Bất bình đẳng giới là có hại và vi phạm các quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái”.

Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc trong thực hiện bình đẳng giới. Nổi bật là các cấp hội phụ nữ phát huy vai trò cơ quan chủ trì tham mưu, phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025). Thông qua tuyên truyền, vận động sâu rộng, linh hoạt đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng và những tập tục văn hóa có hại cho phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, đảm bảo tiếng nói, sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng.

Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là một trong những hoạt động thiết thực thuộc Dự án 8. Ngay sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hướng dẫn triển khai mô hình, Hội Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn cho các huyện, cơ sở thành lập mô hình theo kế hoạch đặt ra.

Hiện tại, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn nhiều rào cản đối với sự phát triển, tiến bộ của trẻ em gái, như điều kiện kinh tế gia đình khó khăn khiến trẻ em gái thường phải lao động từ sớm; vẫn còn phong tục, tập quán lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; nguy cơ mua bán người... Vì vậy, nhiều trường học ở vùng cao như THCS xã Nấm Lư, THCS Lùng Khấu Nhin (Mường Khương), Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lùng Phình (Bắc Hà)… Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đã được thành lập với sự tham gia tự nguyện của học sinh, mục tiêu là giúp các em trở thành những thủ lĩnh tiên phong trong việc thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến về giới và các tập quán lạc hậu.

Tham gia câu lạc bộ, các em được trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình, hiểu về quyền và kiến thức sức khỏe sinh sản, tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh. Năm 2022, Hội Phụ nữ tỉnh đã thành lập 63 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đến nay, mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng.

Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức 9 hội nghị đối thoại chính sách tại các cụm xã trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố với 900 người tham gia. 157 ý kiến, đề xuất của hội viên phụ nữ đã được trả lời, giải đáp. Hội nghị trở thành cầu nối giữa hội viên, phụ nữ và Nhân dân với cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành liên quan, tạo cơ hội để phụ nữ được trao đổi, nói lên suy nghĩ của mình về các vấn đề cộng đồng quan tâm.

Thời gian qua, ngành y tế cũng đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị y tế cơ sở kết hợp với chính quyền địa phương duy trì và đẩy mạnh nhiều hoạt động, như truyền thông nhằm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh tại 99 xã với hơn 8 nghìn lượt người tham dự; truyền thông nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại 27 xã triển khai mô hình, thu hút 3.367 lượt người; tư vấn và khám sức khỏe trước kết hôn tại 10 xã và tổ chức truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm lượt người.

Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong số hơn 5.000 phụ nữ sinh đẻ trong 6 tháng đầu năm, có 85,6% phụ nữ được khám thai, hơn 4.000 bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh. Bà Dương Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Hà cho biết: Do những phong tục, tập quán lâu đời và nhận thức của người dân hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều phụ nữ vùng cao chưa quan tâm đến sức khỏe, vẫn còn tình trạng tảo hôn, sinh con tại nhà, không khám thai định kỳ.... Chúng tôi đã đẩy mạnh truyền thông, tư vấn, trong đó đội ngũ y tế, cô đỡ thôn, bản góp phần giúp phụ nữ nâng cao sức khỏe, kỹ năng phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, khám và chăm sóc sức khỏe sinh sản; triển khai các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình…

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nang-cao-vi-the-cua-phu-nu-va-tre-em-gai-post370613.html