Nâng cao vị thế, vai trò phụ nữ tại cơ sở

Từ năm 2022 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hòa An tích cực triển khai Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới (BĐG) và một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em', góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ tại cơ sở.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa An Hoàng Thị Ngọc Lan cho biết: Để triển khai Dự án 8 sâu rộng đến xã, xóm đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Ban Thường vụ Hội LHPN huyện tham mưu UBND huyện ban hành các kế hoạch triển khai có sự phối hợp của các ban, ngành hữu quan đảm bảo đồng bộ về chính sách đến cơ sở; chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐG và vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Trên cơ sở đó, các cấp hội tại cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động của Dự án 8, tham mưu ra quyết định thành lập các mô hình tổ truyền thông cộng đồng tuyên truyền về BĐG, thay đổi khuôn mẫu giới, xóa bỏ tập tục lạc hậu về định kiến giới; xây dựng mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; tổ chức hội nghị đối thoại về chính sách về phụ nữ giữa cấp ủy, chính quyền xã đối với phụ nữ các xóm, bản; phòng chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; BĐG và những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, phòng, chống tảo hôn, nữ sinh con dưới 18 tuổi; tổ chức giao lưu giữa các tổ truyền thông, truyền thông BĐG; truyền thông sân khấu hóa về BĐG, phòng, chống nạn tảo hôn... Phối hợp với các trường học trên địa bàn thành lập và tập huấn Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”…

Đến nay, các xã, thị trấn xây dựng, vận hành 63 tổ truyền thông cộng đồng, 5 địa chỉ tin cậy cộng đồng với nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả. Đặc biệt là đổi mới cách truyền thông phù hợp để cộng đồng xã hội, đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa dễ tiếp cận, hiểu về BĐG, tôn trọng quyền phụ nữ và trẻ em để thay đổi hành vi, có thái độ tích cực xóa bỏ định kiến về giới. Các xã: Lê Chung, Bình Dương, Bạch Đằng, Trương Lương, Hồng Nam, Dân Chủ, Ngũ Lão tổ chức Hội thi mô hình “Truyền thông sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới” bằng hình thức sân khấu hóa thu hút hàng nghìn lượt bà con dân tộc Mông, Tày, Nùng vùng sâu, vùng xa đến xem. Đặc biệt là nam giới, qua xem sân khấu hóa tuyên truyền về BĐG đã thay đổi nhận thức, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình được học tập, phát triển kinh tế, tham gia các phong trào, hoạt động xã hội, phát huy vai trò phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Tổ truyền thông cộng đồng xã Dân Chủ (Hòa An) tham gia Hội thi mô hình “Truyền thông sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới”.

Tổ truyền thông cộng đồng xã Dân Chủ (Hòa An) tham gia Hội thi mô hình “Truyền thông sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới”.

Hội LHPN huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Huyện đoàn tổ chức phát động Cuộc thi “Sáng tác sản phẩm truyền thông về BĐG dành cho trẻ em vùng DTTS và miền núi năm 2023” thu hút học sinh các trường tham gia với nhiều tranh vẽ và video clip sinh động, nội dung phong phú truyền thông về BĐG sâu rộng trong xã hội. Thúc đẩy hoạt động câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” thu hút nhiều học sinh tham gia, tổ chức truyền thông sân khấu hóa về phòng, chống tảo hôn tại các trường, trang bị cho học sinh kiến thức để vận động gia đình bỏ tập tục lạc hậu, nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, xây dựng tương lai tốt đẹp cho trẻ em.

Hội LHPN các xã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 15 hội nghị đối thoại về chính sách đối với hội viên, phụ nữ để lắng nghe ý kiến, trao đổi và giải đáp về các chính sách đối với phụ nữ trong kế hoạch hóa gia đình, đào tạo nghề, giải quyết tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, BĐG và những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, phòng, chống bạo lực gia đình, tảo hôn, chính sách trợ cấp cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn đi học, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Các mô hình, hoạt động của Dự án 8 tại huyện được triển khai sâu rộng, bám sát cơ sở đã lan tỏa trong xã hội về BĐG, nâng cao nhận thức xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình về tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em được phát huy vai trò của mình, xóa bỏ dần định kiến, bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, tổ, xóm, bản, đặc biệt là xóm bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Trường Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nang-cao-vi-the-vai-tro-phu-nu-tai-co-so-3172449.html